Trong hành trình 70 năm thăng trầm cùng đất nước, nhiều lần chia tách - sáp nhập bộ máy, dù ở bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, ngành Công Thương Hà Tĩnh vẫn luôn hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó; luôn tiên phong, khẳng định vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Công Thương Hà Tĩnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, sản xuất và lưu thông nhiều mặt hàng phục vụ chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên một Điện Biên lừng lẫy địa cầu. Sau 1954, tiếp tục cùng Miền Bắc hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: Xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Khi đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà, trải qua nhiều lần nhập tách, ngành Công Thương Hà Tĩnh đã tự huy động bằng nội lực, tạo dựng một diện mạo mới, khẳng định được vai trò vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, theo tiến trình đổi mới của đất nước, Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ nhất ngày 31/7/2007 đã thông qua Nghị quyết số 01/NQ-QH12 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Bộ Công Thương lại được tái lập trên cơ sở hợp nhất hai Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng được thành lập theo quyết định số 842/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trên cơ sở sát nhập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch, chuyển chức năng quản lý nhà nước về du lịch cho Sở Văn hóa thể thao và Du lịch quản lý. Từ đó đến nay, Sở trải qua các lần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và điều chỉnh chức năng nhiệm vụ. Ngày 01/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 09/2020/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương.
Đến nay, tổ chức bộ máy của Sở Công Thương được tinh gọn, từ 8 phòng chuyên môn xuống còn 05 phòng chuyên môn. Cán bộ công chức, viên chức và người lao động toàn ngành đã có sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn và thực hiện tốt các chỉ tiêu hàng năm đề ra. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP tăng từ 7,52% năm 2011 lên 12,92% năm 2015 và lên 34,74% vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 20,8%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 46,6%/năm. Quy mô ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng từ 5.827 tỷ đồng năm 2011 lên 12.396 tỷ đồng năm 2015 và trên 80.000 tỷ đồng năm 2020. Tốc độ tăng trưởng chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011-2020 đạt 11%, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 19%, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 4,99%.
Ghi nhận những thành tích đó, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều đơn vị, cá nhân thuộc Ngành đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua xuất sắc và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 -2025 đã xác định: “Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển”, trong đó, chú trọng “bốn trụ cột” là: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; Nông nghiệp; Dịch vụ, du lịch; Dịch vụ cảng biển và logistics. Đến năm 2025, Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp dưới 9%, công nghiệp - xây dựng trên 55% (trong đó công nghiệp chiếm trên 47%); dịch vụ trên 36%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, cán bộ, công nhân viên chức trong toàn Ngành tiếp tục tranh thủ thời cơ, đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển ngành Công Thương ngang tầm với vai trò vị thế của mình trong sự nghiệp đổi mới; xứng đáng với truyền thống và sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước./.
© 2018 congthuonghatinh.gov.vn
Địa chỉ: Số 02, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh