Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024
Ngày 05/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý chợ, thay thế cho hai Nghị định trước đây là Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.
Nghị định số 60/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới so với quy định trước đây, nhằm mục tiêu phát triển hệ thống chợ hiện đại, văn minh, hiệu quả, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung chính của Nghị định bao gồm:
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định chính sách, cơ chế phát triển và quản lý chợ, bao gồm: đầu tư xây dựng chợ (gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng); tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động về phát triển và quản lý chợ.
3. Kết cấu, nội dung chính của Nghị định: Nghị định số 60/2024/NĐ-CP gồm: 5 Chương, 38 Điều, 2 Phụ lục, 13 biểu mẫu báo cáo, 2 biểu mẫu đề án và 1 biểu mẫu biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản công. Cụ thể:
Chương I. Những Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4)
Quy định về những vấn đề chung như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; phân loại chợ. Về cơ bản, nội dung Chương I kế thừa quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Các nội dung điều chỉnh so với Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Cụ thể:
– Sửa phạm vi điều chỉnh: “Chợ được điều chỉnh trong Nghị định này là chợ được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch…” (không còn sử dụng cụm từ “truyền thống”).
– Sửa khái niệm chợ dân sinh từ “Chợ dân sinh: là chợ hạng 3 (do xã, phường quản lý) kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiêt yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân” (quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định sổ 114/2009/NĐ-CP) thành “Chợ dân sinh: là chợ kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân” (mở rộng hơn phạm vi so với quy định hiện hành).
– Lược bỏ các khái niệm như chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, chợ miền núi, chợ cửa khẩu… Bổ sung các khái niệm: chợ đêm; điểm kinh doanh tự phát; chợ di tích, lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc; chợ cộng đồng; cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công về chợ; tài sản kêt câu hạ tầng chợ. Bổ sung, làm rõ khái niệm: chợ kiên cố, chợ bán kiên cố.
– Phân loại chợ theo:
(1) Phương thức kinh doanh (chợ dân sinh, chợ đầu mối), trong đó bổ sung tiêu chí chợ đầu mối do Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ đã được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch;
(2) Theo quy mô để phân cấp quản lý (chợ hạng 1, hạng 2 và hạng 3 – cơ bản không thay đổi so với Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP và không gây xáo trộn);
(3) Theo nguồn vốn (nguồn vốn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước) thay vì chỉ phân loại theo quy mô như tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP.
Chương II. Đầu tư xây dựng chợ (từ Điều 5 đến Điều 7)
Quy định về kế hoạch phát triển chợ; đầu tư xây dựng chợ; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ; quy định về Dự án đầu tư xây dựng chợ và bố trí các công trình trong phạm vi chợ. Về cơ bản, nội dung Chương II kế thừa quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Các nội dung điều chỉnh so với Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Cụ thể:
– Lược bỏ quy định về quy hoạch phát triển chợ, thay bằng kế hoạch phát triển chợ để phù hợp với Luật quy hoạch.
– Về đầu tư xây dựng chợ: Cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan thay vì quy định phân cấp hỗ trợ đầu tư (trung ương, địa phương) đến một số hạng, loại chợ cụ thể như trước đây. Lý do:
– Tách riêng quy định về quyền của chủ đầu tư xây dựng chợ khỏi quy định về đầu tư xây dựng chợ và có quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ. Chuyển các nội dung về Dự án đầu tư xây dựng chợ và bố trí các công trình trong phạm vi chợ về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ.
– Nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ bao gồm quy định về: thực hiện việc bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ; công khai thông tin niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các địa điểm khác có liên quan trong thời gian tối thiểu 30 ngày và lấy ý kiến của các bên liên quan theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, vận hành chợ tạm… và các quy định có liên quan khác.
Chương III. Tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ (từ Điều 8 đến Điều 12)
Quy định về các tổ chức quản lý chợ; trách nhiệm của các tổ chức quản lý chợ; nội quy chợ; quản lý điểm kinh doanh tại chợ; quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ… Về cơ bản, nội dung Chương III kế thừa quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Các nội dung điều chỉnh so với Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Cụ thể:
– Làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư… thay vì ban quản lý chợ như trước đây.
– Quy định về nghĩa vụ của các tổ chức quản lý chợ, trong đó bổ sung trách nhiệm về: phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; duy trì hoạt động chợ nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa trong tình huống, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
– Nội quy chợ: cơ bản kế thừa quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP chỉ quy định những nội dung chính, theo đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan ban hành Nội quy chợ mẫu để các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính đối với việc phê duyệt nội quy của các chợ.
– Về quản lý điểm kinh doanh tại chợ:
+ Kế thừa quy định về 02 loại điểm kinh doanh tại chợ, về việc lập phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ (bao gồm cả phương án giá cho thuê điểm kinh doanh).
+ Cắt giảm thủ tục hành chính về việc phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt so với quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP;
+ Thực hiện bốc thăm khi số lượng thương nhân vượt quá số điểm kinh doanh hiện có (áp dụng đối với chợ có sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước) thay vì thực hiện quy định về đấu thầu khi số lượng thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê vượt quá số lượng điểm kinh doanh có thể bố trí tại chợ như quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP;
+ Bổ sung quy định về thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ do các bên tự thỏa thuận trừ trường hợp pháp luật khác quy định; thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ phải được thể hiện trong họp đồng giữa tổ chức quản lý chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ theo hướng dẫn của ủy ban nhân dân có thẩm quyền. Bỏ quy định phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ phải trình ủy ban nhân dân cấp có thấm quyền phê duyệt.
– Thay đổi tên của quy định về hoạt động kinh doanh tại chợ bằng quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ đế phù hợp với nội dung, về cơ bản giữ nguyên quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP, lược bỏ quy định về thương nhân có điểm kinh doanh tại chợ (đối với loại giao cho thương nhân sử dụng kinh doanh trong trường hợp có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong một thời hạn nhất định sau khi chợ được xây dựng xong) được sử dụng điểm kinh doanh để thế chấp vay vốn kinh doanh tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Chương IV. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý (từ Điều 13 đến Điều 35)
Quy định về nguyên tắc, quy trình, hồ sơ quản lý, sử dụng, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý.
Nội dung Chương IV sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng và và khai thác tài sản công về chợ cũng như kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến các quy định quản lý quyền khai thác chợ, bồi thường, giải tỏa di dời chợ, đảm bảo sự đồng bộ với các quy định pháp luật mới như quản lý tài sản công, ngân sách…
Chương V. Tổ chức thực hiện
(*) Nghị định kèm theo Phụ lục I về danh mục các biểu mẫu; Phụ lục II về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Toàn văn Nghị định tại: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2024/6/60-cp.signed.pdf
Hà Trang - Thanh tra Sở Công Thương!