Chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tăng cao của Nhân dân trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Để góp phần bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị hàng hóa phục vụ tốt người tiêu dùng trong dịp Tết Dương Lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp, hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng tăng cao cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Sức mua cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (khoảng 5-8%) và tăng 20-25% so với ngày thường. Thị trường vào giai đoạn cuối năm bắt đầu sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi tại tăng cao. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản phục hồi, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; tuy nhiên, giá một số loại hàng hóa có thể biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí sản xuất, kinh doanh tăng; nguồn cung, giá xăng dầu trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào nguồn cung, giá cả xăng dầu thế giới và sự điều hành của Trung ương.
Hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Tĩnh phân bố trên toàn tỉnh với hàng hóa phong phú, đa dạng, với nhiều hình thức trưng bày đẹp, thu hút khách hàng nhất là hệ thống phân phối hiện đại. Hiện có 02 trung tâm thương mại, 03 siêu thị cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu (Co.op mart ,Winmart tại TP Hà Tĩnh và Winmart Kỳ Anh), 151 chợ truyền thống, 37 cửa hàng Winmart+, 04 cửa hàng Co.op Food và hệ thống các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, một số đơn vị tổ chức một số chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa. Lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa trong tỉnh chuẩn bị phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng bình quân từ 20-40%. Các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08/12/2022 của Bộ Công Thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 12/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm trước, trong và sau Tết Quý Mão năm 2023, ngành Công Thương Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, lượng dự trữ cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Về nguồn cung tại chỗ, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sản lượng thịt lợn: dự kiến khoảng 6.200 tấn; sản lượng thịt trâu, bò: dự kiến khoảng 1.300 tấn; sản lượng thịt gia cầm khoảng 2.300 tấn; sản lượng trứng dự kiến khoảng 32 triệu quả; Cá nước ngọt các loại (cá truyền thống, rô phi, cá điêu hồng, các loại thủy đặc sản,…) khoảng 400 tấn; các loại tôm nuôi (tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh) khoảng 100 tấn; Nhuyễn thể (ngao, ốc các loại) khoảng 200 tấn; các loại cá mặn lợ (cá chim, cá chẽm, cá hồng mỹ…) khoảng 20 tấn; thủy sản khai thác biển bao gồm cá, mực, tôm, giáp xác các loại khoảng 6.000 - 8.000 tấn; sản lượng rau, đậu thực phẩm khoảng 29.000 tấn, sản lượng cam Bù khoảng 1.200 tấn; các mặt hàng công nghệ phẩm khác một phần được cung ứng bởi các đơn vị sản xuất trong tỉnh, còn lại được nhập từ các tỉnh khác, như: đường khoảng 54,6 tấn; bột ngọt, bột nêm 19,5 tấn; nước tương 39 nghìn lít; nước mắm 39 nghìn lít, dầu ăn 117 nghìn lít. Ngoài ra trong dịp Tết nhu cầu của người dân đi lại đông, do đó Sở cũng đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung ứng đầy đủ cho khách hàng, với thời gian phục vụ theo quy định.
UBND tỉnh giao các sở ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại địa phương.
Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Thạch - TP QLTM.