Hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với Hà Tĩnh và một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh mong muốn TP Hồ Chí Minh và các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KT-XH; tuyên truyền, quảng bá đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiềm năng, lợi thế của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng; liên kết xây dựng các tour du lịch kết nối giữa các tỉnh...
Sáng 25/3, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Dự hội nghị có đại diện một số bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, một số doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.
Phía đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương tham dự.
Chương trình hợp tác phát triển KT-XH TP Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, TP Hồ Chí Minh và các địa phương đã trao đổi, kết nối, hợp tác, hỗ trợ nhau trên các lĩnh vực đầu tư bất động sản; xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; xúc tiến thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội…
Lãnh đạo các cấp TP Hồ Chí Minh và các địa phương đã tạo điều kiện, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh tới đầu tư sản xuất kinh doanh.
Qua chương trình hợp tác đã thu hút được các nguồn lực từ TP Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH của các tỉnh trong khu vực. Cùng đó, các doanh nghiệp tại các địa phương đã tìm kiếm được cơ hội và thuận lợi trong phát triển kinh doanh.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của các địa phương đã tạo được sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc trao đổi, hỗ trợ cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý, tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt đông quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được từ chương trình hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể đối với từng địa phương; thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để tạo cơ hội phát triển cho các tỉnh.
Đại biểu các tỉnh cũng thông tin về những tiềm năng, lợi thế, định hướng và những giải pháp phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian tới. Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn TP Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để các tỉnh tham gia các diễn đàn kinh tế hợp tác phát triển; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ phát triển du lịch...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã thông tin những nét cơ bản về những tiềm năng, lợi thế phát triển và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai các nội dung theo chương trình hợp tác đã ký kết. Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 22 dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký gần 8.500 tỷ đồng.
Các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; công nghiệp, thương mại; nông nghiệp và phát triển nông thôn; thông tin và truyền thông… cũng được quan tâm, phối hợp.
Chính quyền TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đã hỗ trợ Hà Tĩnh xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng với số tiền gần 43 tỷ đồng. Về phía Hà Tĩnh, đã đồng hành, chia sẻ cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong giai đoạn dịch COVID-19 với tổng kinh phí quyên góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật hơn 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tổ chức doanh nghiệp Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH các địa phương; là cầu nối xúc tiến đầu tư về quê hương, kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân, thực hiện tốt các chương trình xã hội từ thiện.
Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến vào tháng 5 này, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư.
Để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ gắn với cụ thể hóa các định hướng lớn trong Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh cùng nhau tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tuyên truyền, quảng bá đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiềm năng, lợi thế của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng;
Cung cấp thông tin về xúc tiến đầu tư; kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư lớn của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn mà Hà Tĩnh đang ưu tiên; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phối hợp xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương; liên kết xây dựng các tour du lịch kết nối giữa các tỉnh; phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KT-XH; xây dựng, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; khai thác phát triển cảng biển.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu đề nghị sau hội nghị, các địa phương xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để hiện thực hóa các nội dung hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong thời gian tới.
Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi, tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng, đảm bảo tốt không gian phát triển chung của đất nước.
Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan của TP Hồ Chí Minh thực hiện các nội dung hợp tác; duy trì tình đoàn kết, gắn bó giữa thành phố và các địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP Hồ Chí Minh tham gia xúc tiến đầu tư, tạo nhiều việc làm, tăng thu ngân sách cho các địa phương và TP Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, các địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: đầu tư; du lịch, văn hóa; nông nghiệp; công thương; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số; giáo dục, đào tạo và y tế...
Theo "Báo Hà Tĩnh".