THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Công nghiệp chế biến gỗ thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất, có vị trí vai trò quan trọng trong khu vực công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ nói riêng và ngành công nghiệp chế biến nói chung. Công nghiệp chế biến gỗ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa và hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đây là ngành chủ chốt trong chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp trên cả ba phương diện sản xuất - chế biến - tiêu thụ; là một trong những khâu quan trọng góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, công nghiệp và thương mại.
Hà Tĩnh có 359.853ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thành phố, thị xã (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên); trong đó rừng sản xuất khoảng 169.216ha; tổng sản lượng gỗ khai thác năm 2022 đạt 550.434m3, trong đó phần lớn lượng gỗ đến từ gỗ rừng trồng. Với vùng nguyên liệu dồi dào, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng chế biến sâu và trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp toàn tỉnh.
Công tác phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn, lấy các nhà máy chế biến gỗ nhân tạo (MDF, HDF) làm đầu kéo chính để liên kết với các hộ gia đình và các tổ chức đầu tư sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng được quan tâm thực hiện với gần 100.000 ha rừng trồng cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; trong đó có khoảng 81.000ha Keo, 3.900ha Bạch đàn, 8.600ha Thông, Keo..v.v; bình quân mỗi năm khai thác từ 5.000 - 6.000 ha rừng trồng, cung cấp từ 450.000 m3 - 500.000 m3 gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu các nhà máy chế biến gỗ, tạo việc làm, mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ dân tham gia, góp phần đảo bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện liên doanh, liên kết với chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi liên kết đồng bộ, khép kín từ sản xuất đến khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, điển hình như: Công ty TNHH Thanh Thành Đạt được khảo sát, làm việc với các hộ dân để phát triển vùng nguyên liệu phù hợp tình hình thực tế; Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát liên kết với các hộ dân tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Thạch Hà để thực hiện việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC trên địa bàn; Công ty TNHH MTV VBE Hà Tĩnh liên kết với Liên hiệp Hợp tác xã Chứng chỉ rừng Tây Kim tại huyện Hương Sơn…
Nhờ đó, các cơ sở chế biến gỗ có sự tăng nhanh về số lượng, quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng có 335 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 05 có 5 cơ sở sản xuất ván sàn, ván ghép thành; 145 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, đồ gỗ văn phòng, nội thất; 6 cơ sở sản xuất ván bóc, ván ép; 2 cơ sở bột giấy; 2 cơ sở sản xuất viên nén sinh khối; 4 cơ sở sản xuất dăm; 167 cơ sở cưa xẻ.. với giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 5.000 công nhân, lao động và hơn 100.000 người dân trồng rừng ở khu vực gần rừng.
Lãnh đạo Sở Công Thương đang xem các sản phẩm chế biến sâu từ gỗ MDF/HDF của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt
Nhìn chung, hầu hết các cơ sở chế biến lâm nghiệp đang hoạt động cơ bản được quy hoạch, tổ chức, sắp xếp khoa học, hợp lý; gắn với các khu, cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu như có gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được đầu tư, di dời vào các cụm công nghiệp Thái Yên, Yên Huy, Trương Sơn. góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản. Để định hướng phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh theo hướng đầu tư chiều sâu, tạo bước đột phá trong đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ, nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu, đặc biệt đã thu hút được nhiều dự án chế biến gỗ đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điển hình như: Nhà máy sản xuất gỗ MDF/HDF của Công ty Cổ phần gỗ MDF Thanh Thành Đạt tại Cụm công nghiệp Vũ Quang (tổng mức đầu tư khoảng 1.440 tỷ đồng); Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng VBE Hà Tĩnh tại Cụm công nghiệp Khe Cò, huyện Hương Sơn (tổng vốn đầu tư 49.900 triệu đồng); Nhà máy Plywood Thanh Thành Đạt tại CCN Xuân Lĩnh (TVĐT: 175.000 triệu đồng); Nhà máy cưa xẻ sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu Plywood Khu kinh tế Vũng Áng (tổng vốn đầu tư 764.156 triệu đồng); Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng Thạch Hà tại Cụm công nghiệp Phù Việt, huyện Thạch Hà (Tổng vốn đầu tư 78.784 triệu đồng)… Sản phẩm gỗ ngày càng đa dạng, phong phú, trước đây sản xuất các sản phẩm truyền thống như bàn, ghế, dăm gỗ nhưng gần đây xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới như ván ghép thanh, ván ép, gỗ MDF/HDF, viên nén nhiên liệu…. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu đến các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ… với kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản hàng năm đạt trên 45 triệu USD.
Có thể khẳng định rằng, trong những năm gần đây công nghiệp chế biến gỗ đã có nhiều đóng góp cho xã hội, mang lại nguồn thu nhập cho tỉnh, đặc biệt là nguồn thu ngoại tệ, tạo công ăn việc làm, thu nhập, đời sống cho người trồng rừng, các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là các đơn vị lớn đã tạo được “đầu kéo” trong phát triển sản xuất xuyên suốt từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy ngành chế biến gỗ rừng trồng theo hướng tinh sâu; nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất; thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác. Mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế như hầu hết các cơ sở chế biến gỗ có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất thấp, thiếu vốn để đầu tư vào máy móc thiết bị công nghệ hiện đại; các sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô như dăm gỗ, gỗ thanh nguyên liệu,ván ép… hàm lượng chế biến thấp; chưa thu hút được nhiều dự án chế biến sâu, nâng cao các giá trị các sản phẩm từ lâm nghiệp.Việc liên kết trong sản xuất hình thành chưa rõ nét, chế biến lâm sản chuyển biến chậm, thu hút được các doanh nghiệp “đầu kéo”, đầu tư xây dựng nhà máy biến tinh, sâu, thay thế sản phẩm dăm gỗ chưa nhiều.
Để phát triển công nghiệp chế biến gỗ bền vững hơn và trở thành ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến theo quy hoạch; thực hiện các biện pháp trồng rừng thâm canh, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện phù hợp, đảm bảo tăng năng suất và giá trị rừng sản xuất. Mỗi năm trồng mới và trồng lại rừng từ 7.000 -8.000 ha, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng từ 450.000 - 500.000 m3/năm, hạn chế khai thác sử dụng gỗ non, rừng đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh; Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất.
Thứ hai, Đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và xuất khẩu sản phẩm gỗ, gắn với với phát triển các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh theo chuỗi liên kết với các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Phát huy hiệu quả các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: nhà máy sản xuất ván sợi gỗ MDF, HDF tại Cụm công nghiệp huyện Vũ Quang; nhà máy sản xuất viên nén gỗ tại Cụm công nghiệp Khe Cò, huyện Hương Sơn; nhà máy sản xuất viên nén gỗ và ván ép tại Khu công nghiệp Vũng Áng...) và các cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ và các loại đồ gỗ xuất khẩu (các cụm công nghiệp Thái Yên (Đức Thọ), Yên Huy (Can Lộc), Nghi Xuân ...). Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất chế sâu, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Thứ ba, Khuyến khích mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội thất từ gỗ MDF, gỗ công nghiệp, đồ mộc cao cấp phục vụ xuất khẩu; cùng với đó là thực hiện việc chuyển đổi mô hình hộ cá thể chế biến gỗ sang mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch, về cơ chế chính sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời triển khai các giải pháp về huy động nguồn lực, phát triển và thu hút nguồn nhân lực và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp.
Thứ tư, nghiên cứu, định hướng phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường theo Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, như nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất (sản phẩm bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn trang điểm, giá kệ sách; các loại ván sàn); nhóm sản phẩm gỗ ván nhân tạo (ván ghép thanh; ván dán, ván dăm; ván MDF); nhóm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ (bàn ghế, giường tủ; sản phẩm sơn mài, tranh gỗ, các loại tượng bằng gỗ; sản phẩm lưu niệm, mỹ nghệ trang trí kết hợp song, mây, tre, trúc, vật liệu khác)…
Thứ năm, Đẩy mạnh việc nghiên cứu, xúc tiến và xây dựng chiến lược thị trường, nhằm tiếp cận, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ để phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh sản xuất trong nước. Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ có chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm theo hướng chế biến sâu; tăng cường tổ chức công tác quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hoạt động như tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh… để tăng cường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ sáu, Huy động nguồn lực và phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến gỗ theo công nghệ cao, từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp cận các nguồn tài chính để đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao có thể tham gia chuỗi sản phẩm công nghiệp của khu vực và quốc tế.
Đức Hà