KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG THƯƠNG QUÝ I NĂM 2023
Năm 2023, năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Công Thương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021-2025 liên quan lĩnh vực công thương. Mặc dù tiếp nối năm 2022 với nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư các dự án lĩnh vực công thương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm đã có sự chỉ đạo và ngành Công Thương đã có sự chủ động trong tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, tình hình kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng vẫn gặp những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kết quả hoạt động công thương quý I năm 2023.
Theo số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023 do Cục Thống kê tỉnh cung cấp: hoạt động thương mại dịch vụ giữ được sự ổn định, tiêu dùng của người dân cơ bản phục hồi và không còn chịu tác động quá nhiều do dịch COVID-19. Thị trường giá cả hàng hóa ổn định, không có tăng giá đột biến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong ước đạt 14.200 tỷ đồng, tăng gần 24% so với quý I/2022 chủ yếu do hoạt động tiêu dùng của người dân cơ bản phục hồi và không còn chịu tác động quá nhiều do dịch COVID-19 như cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Tĩnh quý I năm 2023 ước đạt 627,09 triệu USD, tăng 44,81% so với cùng kỳ năm trước trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng như: thép tăng 50%, dăm gỗ là một trong những mặt hàng đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với mức tăng 21%, thủy sản tăng 20%, các mặt hàng xơ sợi, dệt và may mặc giảm song do kim ngạch chiếm tỷ trọng thấp nên không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu chung toàn tỉnh.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp (lĩnh vực đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế) mặc dù ổn định hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn gặp khó khăn khi một số ngành công nghiệp có quy mô lớn phải chịu những ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới cũng như cầu thị trường giảm từ các nước. Do đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong quý I năm 2023 ước giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2023 giảm nhẹ là do: Tại thời điểm cùng kỳ năm trước hoạt động sản xuất thép, phôi thép là rất ổn định và đảm bảo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên hiện nay dó ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái nền kinh tế thế giới, mà “hạt nhân” nền kinh tế tỉnh nhà là Formosa từ đầu đến nay vẫn gặp một số khó khăn nên sản xuất cầm chừng; Bia Hà Nội Nghệ Tĩnh đang làm thị trường, nên sản lượng chưa đáng kể. Mặc dù Tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa hòa lưới điện quốc gia.
Công tác quản lý Nhà nước đã chủ động triển khai trên cơ sở bám sát Chương trình khung Ủy ban nhân dân tỉnh và cụ thể hóa bằng nhiệm vụ chủ yếu của Sở; nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được tham mưu, tổ chức triển khai, cụ thể:
Lĩnh vực công nghiệp đã tham mưu xây dựng và đề nghị UBND tỉnh ban hành: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hoàn thiện trình UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển CN-TTCN đến năm 2025; Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các Văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh; Chiến lược ngành Dệt May và Da Giày. Đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, đề xuất đối tượng hỗ trợ chính sách công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổng hợp đề xuất, báo cáo xin chủ trương UBND tỉnh bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với chính sách phát triển cụm công nghiệp. Báo cáo kết quả thực hiện chính sách khuyến công địa phương năm 2022 và tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023. Cập nhật, hoàn thiện Dự thảo Đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tham mưu chỉ đạo thực hiện ề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 theo Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Lĩnh vực năng lượng đã phối hợp, hướng dẫn Nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện vào quy hoạch phát triển điện lực theo quy định. Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp các địa phương thực hiện các nội dung liên quan công tác GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai Chiến dịch giờ trái đất năm 2023 và các nội dung liên quan công tác quản lý năng lượng.
Lĩnh vực thương mại đã chủ động tham mưu UBND tỉnh: dự thảo Kế hoạch Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Chỉ đạo các đơn vị liên quan, địa phương tăng cường đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Đề xuất đề án, nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam năm 2023 và Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo năm 2023. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng Dự thảo “Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”...
Hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại; công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nông thôn mới; công tác cải cách hành chính; hoạt động thanh tra, kiểm tra được chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả.
Đặc biệt trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 đã phối hợp tích cực với các sở ngành có liên quan để chuẩn bị cho việc công bố quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.
Quý trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn như: một số vướng mắc trong quá trình thành lập, mở rộng cụm công nghiệp gắn với chủ trương đầu tư; Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt nên không có cơ sở để thu hút và triển khai đầu tư đối với các dự án nguồn và lưới điện theo phân cấp trên địa bàn tỉnh; trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc triển khai công tác quản lý chợ, đặc biệt là chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại địa phương gặp nhiều vướng mắc; nhiều loại hình hạ tầng thương mại đang tồn tại, phát triển nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng mà chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn chung của ngành xây dựng hoặc do chủ đầu tư vận dụng kết hợp các loại hình kinh doanh thương mại để thực hiện; quy chế siêu thị, trung tâm thương mại... đã được Sở Công Thương rà soát, kịp thời kiến nghị, đề xuất.
Công nhân Nhà máy máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành thiết bị
Dự báo quý II năm 2023, hoạt động trở lại của Tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1; Nhà máy Pin VinES vận hành chạy thử và sản xuất theo kế hoạch; các dự án sản xuất điện tăng công suất đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân trong mùa nắng nóng; hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu duy trì ổn định.
Cùng với đó, ngành Công Thương cũng đã tổ chức đánh giá tình hình, xây dựng nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện trong quý II năm 2023. Với nhận định, đánh giá đó và sự quyết tâm chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực quản lý của ngành, hy vọng vào một kết quả nổi bật trọng quý II năm 2023.
Ông Trương Văn Dương - Chánh VP