CÔNG NGHIỆP HÀ TĨNH LẤY LẠI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Chín tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn thách thức; xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài; tổng cầu suy giảm, lạm phát và giá dầu tăng cao cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao ở nhiều quốc gia. Trong nước, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tập trung các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư
Trong tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh, tăng cường công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Ngành Công Thương đã chủ động tham mưu triển khai nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh… Nhờ vậy, ngành Công nghiệp từng bước phục hồi, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế tỉnh.
Mặc dù Quý I nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, chi phí lãi suất và nguyên vật liệu tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp trong GRDP đạt 99,88% và chỉ số phát triển công nghiệp quý I đạt 98,51% so với cùng kỳ. Tuy vậy, quý II với xu hướng phục hồi, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp trong GRDP tăng 3,7% và chỉ số phát triển công nghiệp tăng 0,21% so với cùng kỳ.
Quý III, ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực với nhiều yếu tố khởi sắc như: Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I hoạt động trở lại sau gần 2 năm sự cố; sản lượng các phẩm chủ lực tăng so với cùng kỳ (thép đạt 3,6 triệu tấn, tăng 7%; điện sản xuất đạt 6,4 tỷ kWh, tăng 12%; bia đạt hơn 50 triệu lít, tăng 4%, sợi đạt hơn 5.000 tấn, tăng 0,62%); có thêm sản phẩm mới pack pin của Nhà máy pin VinES (Vingroup) sản xuất thương mại từ cuối tháng 8. Bên cạnh đó nhu cầu vật liệu xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam là những động lực không nhỏ cho tăng trưởng chung toàn ngành Công nghiệp. Thu hút đầu tư, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm có nhiều tín hiệu tích cực. Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II đến nay giải ngân gần 27.600 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch; dự án Nhà máy Pin Lithium, các dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (Vinhomes Vũng Áng, Hoành Sơn, Phú Vinh) đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Dự án Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà quy mô gần 1.600 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư...
Tăng trưởng khu vực công nghiệp trong GRDP quý III đạt 19,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng 23,76% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm tăng trưởng khu vực công nghiệp trong GRDP đạt 9,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,05 tỷ USD tăng 58% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất so với các tỉnh Bắc Trung bộ), vượt kế hoạch cả năm; trong đó xuất khẩu sản phẩm ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 95%.
Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tỉnh và các chủ trương, cơ chế chính sách phát triển công nghiệp. Tổ chức triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 57-KL/TU ngày 08/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và tổ chức Hội nghị phổ biến rộng rãi tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quy định tại Nghị quyết này.
Tập trung triển khai Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng và tổ chức lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng gắn với thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp. Thẩm định hồ sơ thành lập CCN Bắc Cẩm Xuyên 2, CCN Tân Lâm Hương và CCN Cổng Khánh 3. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN Cổng Khánh 1, CCN Cổng Khánh 2, CCN huyện Đức Thọ, CCN Cẩm Nhượng; tổ chức làm việc với các nhà đầu tư quan tâm CCN Kỳ Tân, CCN Đồng Khang, CCN Kỳ Khang...
Tăng cường công tác quản lý năng lượng đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII; tổ chức làm việc với Bộ Công Thương về việc cập nhật nguồn, lưới điện và các dự án điện trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; triển khai Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ bổ sung Dự án điện gió và điện rác vào quy hoạch; tham mưu phương án di dời đường điện và cấp điện phục vụ KCN Bắc Thạch Hà của Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Tham mưu UBND tỉnh Quyết định danh sách các khách hàng quan trọng, thuộc diện ưu tiên cấp điện khi bên bán điện thực hiện việc ngừng, giảm mức cung cấp điện năm 2023; Quyết định phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện Hố Hô. Chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện và phòng chống thiên tai.
Để hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng đã đạt được và phấn đấu vượt kế hoạch đã đề ra, trong những tháng cuối năm 2023, Sở Công Thương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung, chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp triển khai Phương án phát triển ngành công nghiệp được tích hợp tại Quy hoạch tỉnh; chú trọng công tác quản lý, thu hút đầu tư hạ tầng và thành lập các CCN theo quy hoạch. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành để đẩy nhanh đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư dự án Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà, Nhà máy sản xuất pin lithium, Nhà máy sản xuất thép không gỉ. Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc các dự án hạ tầng khu công nghiệp; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt thành lập các cụm công nghiệp.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy định tại Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh; Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2030; Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023 và Kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023.
Thứ ba, tham mưu tích hợp Phương án phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với Quy hoạch điện VIII quốc gia. Hoàn thiện và tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030.
Thứ tư, tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư công nghiệp, năng lượng theo Quy hoạch tỉnh; đồng hành cùng nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đang triển khai; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Công Thương, thực hiện số hóa các cụm công nghiệp để tăng cường quản lý và thu hút đầu tư; phối hợp với BQL Khu kinh tế tỉnh hỗ trợ, đồng hành cùng Formosa Hà Tĩnh sớm hoàn chỉnh thủ tục triển khai khu công nghiệp phụ trợ; phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp đã ký kết tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở