GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Hà Tĩnh ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu, động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Đóng góp của công nghiệp trong GRDP tăng nhanh, từ 2.836 tỷ đồng năm 2011 lên 7.191 tỷ đồng năm 2015 và nhảy vọt lên 26.709 tỷ đồng vào năm 2020 và 29.232 tỷ đồng năm 2022 (giá hiện hành).
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 đưa tỉnh Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 6-8%/năm; giá trị tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 10-12%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đến năm 2030 đạt khoảng 60,3%; trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP là 32,6%. Công nghiệp hỗ trợ tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành công nghiệp và phấn đấu đến năm 2030 chiếm 50% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh.
Tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), khái niệm về CNHT chính thức được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất, gia công nguyên liệu, phụ liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Theo đó, có 06 ngành sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; thực tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã hình thành 03 nhóm ngành:
(1) Ngành dệt - may: được xác định là ngành mũi nhọn để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động. Toàn tỉnh hiện có 24 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may, sợi và hơn 1.100 cơ sở may nhỏ lẻ, đã giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động, với các sản phẩm quần áo, găng tay, sợi, bao bì...
(2) Ngành cơ khí chế tạo: có khoảng 16 doanh nghiệp lĩnh vực CNHT ngành cơ khí chế tạo, với giá trị sản xuất năm 2020 đạt 337,44 tỷ đồng, tăng gấp 5,15 lần so với năm 2016, song sản phẩm chủ yếu mang tính chế tạo gia công.
(3) Ngành điện tử: đang chủ yếu là lắp ráp, sửa chữa các linh kiện điện tử, sản phẩm CNHT ngành điện tử Hà Tĩnh chưa có doanh nghiệp nào hoạt động.
Hiện trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn; sản phẩm sản xuất sử dụng các nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện từ nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn ít, quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, vốn, công nghệ hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động và chưa có doanh nghiệp đầu mối, đầu tàu làm trung tâm liên kết, phát triển CNHT trên địa bàn.
Bên cạnh đó hệ thống văn bản pháp luật về CNHT chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh. Những sản phẩm, nhóm sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh rất ít. Hạ tầng kinh tế xã hội nói chung, hạ tầng kỷ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng mặc dù những năm gần đây đã được quan tâm đầu tư cải thiện nhưng chưa đồng bộ, chưa tạo được sự hấp dẫn các nhà đầu tư; nhiều quy trình, thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư còn rườm rà, thiếu hấp dẫn.
Với vị trí địa lý của Hà Tĩnh nằm xa các trung tâm công nghiệp lớn; xa các doanh nghiệp sản xuất chủ đạo mang tính đầu kéo do đó đẩy chi phí vận tải tăng cao làm kém hấp dẫn các dự án đầu tư nói chung và dự án CNHT nói riêng.
Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025 và phát triển công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế của tỉnh thì việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ là hết sức cần thiết. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút 03 đến 05 doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực CNHT; đến năm 2030, thu hút 05 đến 07 doanh nghiệp CNHT; hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế[1]. Tập trung 05 nhóm ngành: công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp dệt may, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử và công nghiệp công nghệ cao.
Ngoài các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT đã được được xác định tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện đồng bộ 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Nhóm giải pháp thứ nhất: Tập trung triển khai đồng bộ chính sách phát triển CNHT Hà Tĩnh tại Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh một cách có hiệu quả nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, kết nối doanh nghiệp. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm vệ tinh cho các doanh nghiệp chủ lực, các doanh nghiệp FDI.
Nhóm giải pháp thứ hai: Xây dựng các chương trình, dự án trọng tâm về công nghiệp và CNHT ưu tiên phát triển và tiến hành kêu gọi xúc tiến đầu tư vào địa bàn, trong đó cần đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng điểm.
Nhóm giải pháp thứ ba: Nâng cao năng lực cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNHT nhất là năng lực tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, chú trọng nhóm ngành cơ khí chế tạo để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của địa bàn.
Nhóm giải pháp thứ tư: Phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNHT, phải xác định nhân lực đóng vai trò quan trọng, kỹ năng lao động, trình độ lao động quyết định đến chất lượng sản phẩm, trình độ quản lý kết nối, hợp tác quốc tế sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhóm giải pháp thứ năm: Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và liên kết vùng trong phát triển CNHT. Vai trò kết nối trung gian, xây dựng dữ liệu, cung cấp thông tin giúp giảm tình trạng thiếu thông tin và mở rộng giao dịch giữa nhà lắp ráp nước ngoài và nhà cung cấp trong nước; đồng thời, dần tạo dựng một cơ sở dữ liệu tốt giúp giảm chi phí giao dịch và thời gian, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT của vùng phục vụ cho công tác thống kê, dự báo cho các cơ sở sản xuất sản phẩm CNHT.
Các nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành và nội tại cơ sở doanh nghiệp. Để giải quyết điểm nghẽn trước mắt về phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp và CNHT nói riêng trên địa bàn, cần tập trung:
Một là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm, tạo mọi điều kiện để hai Nhà máy Pin của Tập đoàn Vingroup đi vào vận hành và sản xuất theo kế hoạch. Tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực CNHT và ngành công nghiệp sau thép, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu; tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ logictics.
Hai là, thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và các địa phương (DDCI), góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ba là, tiếp tục rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi đối với các nhà đầu tư. Tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược.
Bốn là, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, giá đất cụ thể, đẩy nhanh tiến độ GPMB để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn ./.
[1] Dự kiến thu hút 01-02 doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành may; 03-05 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ngành cơ khí, chế tạo, trong đó lấy KCN hậu thép của FHS làm trung tâm; 01-02 doanh nghiệp trong ngành lắp ráp ô tô, xe máy...
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương