Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
File đính kèm:
2024_11_14_10-2xgac.pdf
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm gần đây, công tác quản lý hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Hóa chất và các văn bản dưới Luật là công cụ hữu hiệu để triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng, đồng bộ, có hiệu quả và rộng khắp trên quy mô cả nước về hoạt động hóa chất. Các chính sách quản lý hóa chất được xây dựng trên cơ sở đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường, không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người và tài sản.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng sử dụng hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (hóa chất hạn chế) sai mục đích, cụ thể là việc sử dụng Xyanua gây ảnh hưởng đến tính mạng và an toàn sức khỏe con người gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước thực trạng trên, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế, kịp thời ngăn ngừa việc lạm dụng hóa chất hạn chế sử dụng sai mục đích, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công thương và các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp khẩn trương tổ chức, triển khai các nội dung sau:
1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý hóa chất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ hóa chất hạn chế trên địa bàn quản lý; báo cáo kết quả thực hiện trong Báo cáo công tác quản lý hoạt động hóa chất năm 2024 theo chế độ báo cáo hàng năm được quy định tại Thông tư 32/2017/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 17/2022/TT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
- Chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường địa phương; UBND quận, huyện, thị xã xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế, đặc biệt đối với Xyanua; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực hóa chất;
- Chủ trì phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức huấn luyện an toàn trong hoạt động hóa chất đối với đội ngũ cán bộ, công chức liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước về hóa chất, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến hóa chất Xyanua, thực thi pháp luật về quản lý hóa chất hạn chế, phân công làm rõ vai trò, nhiệm vụ của địa phương phục vụ cho công tác quản lý sử dụng hóa chất đúng mục đích;
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý hóa chất hạn chế tới các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn, đặc biệt là các quy định về kiểm soát hóa chất Xyanua, quy định về lập Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, quy định về thực hiện chế độ báo cáo.
2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
- Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý hóa chất, an toàn hóa chất và các quy định khác có liên quan;
- Áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa thất thoát hóa chất hạn chế trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng…;
- Chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế khi đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Thực hiện đúng theo các nội dung của Giấy phép và các cam kết đã nêu tại hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Duy trì đủ điều kiện trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu có thay đổi, phải báo cáo ngay về Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) để giám sát quá trình thực hiện;
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế chỉ kinh doanh với các đơn vị đủ điều kiện theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 17 Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về lập, lưu giữ Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc và xây dựng, cung cấp Phiếu an toàn hóa chất theo quy định của pháp luật. Khuyến khích tổ chức, cá nhân mua hóa chất chủ động yêu cầu tổ chức, cá nhân bán hóa chất cung cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế và Phiếu an toàn hóa chất;
- Chỉ tồn trữ hóa chất hạn chế tại địa điểm đáp ứng đầy đủ các quy định, quy chuẩn về an toàn tại đúng địa điểm kho chứa ghi trên Giấy phép. Thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng, cập nhật và thực hiện Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;
- Chỉ sử dụng dịch vụ vận chuyển của các đơn vị có Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hiểm theo quy định, bảo đảm Giấy phép vận chuyển còn hiệu lực và phù hợp với hóa chất được vận chuyển;
- Thực hiện huấn luyện an toàn hóa chất và huấn luyện lại cho các đối tượng thuộc nhóm 1, 2, 3 theo quy định;
- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động hóa chất thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia theo quy định, nhập thông tin về hoạt động mua, bán Xyanua lên hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia ngay sau khi thực hiện mua bán, giao nhận hóa chất;
- Chủ động cập nhật các quy định về hoạt động hóa chất, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên về mức độ nguy hiểm của hóa chất, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý hóa chất, đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất.
Thái Hoàng Nhật - PTP Quản lý công nghiệp