Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Sở ngành cơ quan hữu quan các địa phương…được kết nối trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Công Thương là ngành sản xuất vật chất và đảm bảo phân phối lưu thông của nền kinh tế đất nước. Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Ngành, sẽ không chỉ bằng nỗ lực của Bộ Công Thương mà rất cần sự vào cuộc của các các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước. Theo đó, đây là Hội nghị quan trọng, vừa để thực hiện kịp thời triệt để chỉ đạo của Thủ tướng về việc tập trung vào sản xuất kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm mới, vừa tạo ra khí thế, xung lực mới trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương.
Thị trường hàng hóa dịp Tết ổn định
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết, nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết rất dồi dào, mẫu mã, chủng loại đa dạng, phong phú ở cả các chợ truyền thống và các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước.
Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, nông sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-12% so với các tháng thường trong năm. Việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy, thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Về giá cả mặt hàng lương thực, nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5-15% nhưng không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá hầu hết các mặt hàng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Thực phẩm chế biến giá ổn định trong những ngày cận Tết và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh, xuất khẩu tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi, doanh thu dịch vụ tăng khá do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết, ngành Công Thương đã triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, xây dựng các giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến nay, các hệ thống phân phối duy trì và đảm bảo khả năng cung ứng phục vụ xuyên suốt cho người dân.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các khu vực kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các tuyến đường bộ, đường sắt… tập trung kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân trong dịp Lễ, Tết và các địa bàn, tuyến trọng điểm... Triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng QLTT cả nước bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý.
Tình hình cung ứng điện dịp trước và trong Tết được bảo đảm, không xảy ra sự cố lớn về nguồn điện và lưới điện (một số sự cố nhỏ trên lưới điện trung thế đã được khắc phục nhanh chóng, khôi phục cung cấp điện cho phụ tải điện). Việc cung cấp điện tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện tốt. Các doanh nghiệp duy trì sản xuất xuyên Tết được bảo đảm đủ điện.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; đại diện Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo về tình hình tại các địa phương thời điểm trước và trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tập trung cao độ triển khai các nhiệm vụ
Qua báo cáo của Bộ và các ý kiến phát biểu của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao và ghi nhận, việc cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu trước, trong và sau Tết ở các địa phương trong cả nước khá tốt. Hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, chất lượng, mẫu mã tốt, giá cả hợp lý…Bên cạnh đó, tình hình cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân được bảo đảm ở mức độ tin cậy cao. Sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, với tốc độ tăng chỉ số phát triển công nghiệp 18,3%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,3% trong tháng 1 và giữ được đà tăng trong nửa đầu tháng 2. Xuất nhập khẩu tiếp tục vượt kỷ lục đạt mức 66,22 tỷ USD, xuất siêu tháng 1 gần 2,29 tỷ USD. Thị trường trong nước tăng ổn định; công tác quản lý thị trường được lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng hữu quan tiến hành hiệu quả. Hơn thế nữa, các chế độ đối với người lao động trong dịp Tết được bảo đảm, an toàn môi trường công nghiệp được thực hiện tốt.
Song Bộ trưởng cũng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém và gian lận thương mại; vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, có sự chồng chéo về các quy định, thủ tục hành chính và rào cản thương mại; thói quen sản xuất, xuất khẩu tiểu ngạch của nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.
Dự báo tình hình của năm 2024 sẽ còn khó khăn thách thức bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế, chính trị thế giới. Mặt khác, ngành Công Thương vừa phải phấn đấu đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao, vừa phải tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra bởi các cơ quan chức năng. Theo đó để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết, ngành Công Thương các địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, nhất là Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Công Thương về nhưng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần phát động và tổ chức phong trào thi đua sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp. Tập trung cao độ việc rà soát các kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền thì phải khẩn trương tổng hợp vướng mắc để báo cáo cấp trên chỉ đạo giải quyết nhằm dỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng đẩy mạnh Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; các Quy hoạch ngành, quốc gia nhất là trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản; Quy hoạch ngành địa phương, Quy hoạch vùng nhằm tạo dư địa phát triển mới, chủ động nguồn cung nguyên liệu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các địa phương cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân; hướng dẫn và giúp đỡ doanh nghiệp, người sản xuất khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên. Tập trung chỉ đạo sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Cùng với đó, phối hợp làm tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… và tập trung phát triển thị trường trong nước.
Từ thực tế hoạt động, ngành Công Thương các địa phương cũng cần khẩn trương tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, người sản xuất và đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách để gửi tới cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, cho phát triển kinh tế, tạo đột phá, giải phóng các nguồn lực trong xã hội và các địa phương. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, góp phần nâng cao tính độc lập, tự cường của nền kinh tế.
Theo "https://moit.gov.vn"