Sở Công Thương nỗ lực kết nối đưa sản phẩm “made in Hà Tĩnh” vươn xa
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại của Sở Công Thương Hà Tĩnh đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn, trước tác động bất lợi do đại dịch Covid-19.
Mở rộng thị trường
Để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: tham gia các gian hàng quảng bá giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương tại các hội chợ lớn trong nước; tổ chức kết nối, giao thương tiêu thụ sản phẩm tại các hội nghị kết nối cung cầu do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, làm việc với các siêu thị lớn nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, mở rộng đối tượng khách, góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp nói riêng và các sản phẩm tiêu biểu có thế mạnh của tỉnh nói chung.
Các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tham gia các hội chợ thu hút đông đảo khách hàng.
Năm 2021, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến với 300 điểm cầu trên cả nước. Qua đó, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam Vũ Quang lên các sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam như: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn và sàn TMĐT của tỉnh Hatiplaza.com. Đây là bước khởi động để hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng qua kênh TMĐT tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Chỉ tính từ tháng 3/2022 trở lại đây, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã kết nối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trưng bày, giới thiệu tại 6 hội chợ triển lãm, hội nghị tại các tỉnh, thành như: Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - hè 2022, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31…
Để quảng bá, đưa sản phẩm OCOP và những sản phẩm thế mạnh của tỉnh tiếp cận hệ thống siêu thị hiện đại, mới đây, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã thành lập đoàn xúc tiến thương mại kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tại thị trường một số tỉnh miền Trung và Bình Định.
Ông Võ Tá Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh, cho biết: Hệ thống siêu thị là kênh phân phối lớn, có kinh nghiệm và thu hút được lượng khách hàng đông đảo. Do đó, đây là kênh quảng bá và tiêu thụ khá hiệu quả cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh bán tại hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart nhận được phản hồi tốt của khách hàng và từng bước nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã để phù hợp với điều kiện kinh doanh của siêu thị. Nhờ đó, sau cuộc làm việc với siêu thị Big C Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung vừa qua, một số sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã được quan tâm và sắp tới sẽ được bày bán tại kệ hàng chung của siêu thị.
Xác định chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những bước đi quan trọng nhằm thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh quảng bá, kết nối đưa sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vào các hệ thống phân phối lớn trong cả nước, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến kết hợp trực tiếp. Cùng với đó Sở đã có nhiều cuộc làm việc với các hệ thống lớn như siêu thị Big C, Vinmart, Co.op mart và chuỗi của hàng thực phẩm sạch trong cả nước. Bước đầu, một số doanh nghiệp trong tỉnh như gạo Ngọc mầm, cam, chanh HTX Nhật Hằng, bánh đa gia vị Phú Tài… đã kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản tìm hiểu sản phẩm, công nghệ và quy mô năng lực sản xuất để trao đổi mua bán sản phẩm.
Việc thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đóng vai trò rất quan trọng giúp các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vươn xa, không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Đưa sản phẩm “từ làng ra phố”
Hà Tĩnh với nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó có 142 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đặc biệt, sau gần 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Tĩnh đã có 249 sản phẩm của 193 chủ thể được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 14 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 235 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.Tham gia chương trình, các cơ sở ngày càng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các tiêu chuẩn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Sau khi các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm.
Sở Công thương Hà Tĩnh làm việc với siêu thị Big C Đà Nẵng nhằm kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh.
Cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình, thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) tiền thân là một hộ sản xuất nem truyền thống nhỏ lẻ tại địa phương. Năm 2018, nem chua Ý Bình là 1 trong 6 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh “tiên phong” tham gia Chương trình OCOP. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Sở Công Thương Hà Tĩnh, Ý Bình đẩy mạnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nhờ vậy phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chị Lê Thị Bình phấn khởi: “Nếu như trước đây, sản phẩm chỉ được bán trên địa bàn tỉnh thì nay thương hiệu nem Ý Bình có mặt tại các siêu thị và hơn chục tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc như: Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An…; giá bán trước đây 700-1.200 đồng/cái nhưng nay giá thấp nhất 2.000 đồng/cái và cao nhất 5.000 đồng/cái. Riêng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song HTX vẫn tiêu thụ tốt sản phẩm”.
Vừa trở về từ Hội nghị kết nối cung cầu Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Bình Định, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Linh Trang, đang lên kế hoạch để chuẩn bị đưa những sản phẩm làm từ trầm hương tham gia các hội chợ vào những tháng cuối năm và phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023.
“Nhờ có sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, sản phẩm của công ty đã tham gia giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại có quy mô lớn, thu hút đông đảo doanh nghiệp, khách du lịch, người tiêu dùng tham gia. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong cả nước, cũng như tìm kiếm được nhiều đối tác hợp tác kinh doanh sản xuất trong thời gian tới”, chị Huyền Trang cho biết thêm.
Không chỉ nem chua Ý Bình, trầm hương Linh Trang, giò me Tiến Giáp, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh như: cu đơ Phong Nga, nhung hươu Hiền Ngọc, tinh bột nghệ An Tâm, gạo Ngọc Mầm, hải sản khô Hoa Linh Chi… cũng liên tục được kết nối, quảng bá tại các hội chợ, sự kiện tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
“Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài việc tham gia giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại các hội chợ, hội nghị, Sở sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp để giới thiệu và bán sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng nhanh và rộng hơn. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương hiệu, nhãn hiệu tới các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện chất lượng bao bì, nhãn mác sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để tạo uy tín đối với người tiêu dùng”, ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết thêm.
Theo Báo Kinh tế nông thôn
Thu Trang st