Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Tĩnh tổ chức thành công Lớp đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới
Sáng ngày 14/11/2024, tại Hà Tĩnh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Tĩnh tổ chức thành công “Lớp đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới” với mong muốn nâng cao nhận thức về thương mại điện tử xuyên biên giới cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mang kinh nghiệm triển khai xuất khẩu online từ các nước trong khu vực và từ các chuyên gia trong ngành để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tốc nhập cuộc, phát triển kinh doanh quốc tế, đưa các sản phẩm và thương hiệu hàng Hà Tĩnh, hàng Việt Nam đến khách hàng trên toàn cầu thông qua Thương mại điện tử xuyên biên giới. Lớp đào tạo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng quy mô kinh doanh thông qua các giải pháp thương mại điện tử hiện đại.
Thương mại điện tử xuyên biên giới là hoạt động thương mại quốc tế, trong đó các chủ thể thương mại ở những quốc gia khác nhau, thực hiện đặt hàng, thanh toán trực tuyến và sử dụng dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới để vận chuyển, thông quan, giao hàng. Mô hình này không có nhà nhập khẩu, phân phối, nhờ đó, nhà bán hàng có thể rút ngắn quá trình giao dịch, cắt giảm các khâu trung gian và tăng tỷ suất lợi nhuận.
Theo báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Việt Nam đang nổi lên như một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về thương mại điện tử xuyên biên giới. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam (B2C) tăng trưởng với tốc độ hơn 20% mỗi năm, đạt 3,3 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2026. Những mặt hàng chủ đạo trong giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới bao gồm dệt may, da giày, đồ điện tử, thực phẩm, và đồ gỗ nội thất.
Thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng doanh số nhanh chóng, xây dựng thương hiệu tại thị trường nước ngoài và cải thiện khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, nó còn giúp doanh nghiệp ứng phó nhanh chóng với các nhu cầu thị trường và vượt qua các rào cản về quy mô hay mùa vụ.
Chị Trần Bích Ngọc - Phó Chánh Văn phòng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số trình bày về thị trường kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Các FTA đã giúp giảm thuế quan và chi phí giao dịch, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, và châu Á. Những cải thiện về logistics và hải quan nhờ các FTA cũng giúp quy trình xuất nhập khẩu trở nên nhanh chóng và minh bạch hơn.
Trong phần thảo luận về giải pháp, đại diện Bộ Công Thương đã trình bày nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ, bao gồm Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chương trình khuyến công quốc gia. Những hỗ trợ này giúp doanh nghiệp thiết lập và vận hành các tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế, như Amazon, JD.com hay Rakuten.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia cần chú trọng vào việc xây dựng hệ thống logistic hiệu quả, tối ưu hóa kế hoạch bán hàng và lưu kho quốc tế, đồng thời tuân thủ các quy định về thuế và pháp lý khi kinh doanh tại các thị trường nước ngoài. Các nền tảng B2B (như Alibaba, Gobiz Korea) và B2C (như Amazon, JD.com) đều cung cấp các công cụ hỗ trợ marketing, tư vấn logistic và kết nối với khách hàng quốc tế.
Tại hội thảo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng chia sẻ về chương trình Go Export, một sáng kiến nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử. Chương trình cung cấp 8 nhóm giải pháp toàn diện, từ nghiên cứu tiềm năng sản phẩm, lập kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ vận hành tài khoản bán hàng quốc tế, đến các dịch vụ logistic và thanh toán quốc tế.
Chuyên gia Hàn Quốc - Đại diện KOSME (Korea SME’s and Startups Agency) chia sẻ về nền tảng thương mại điện tử Gobiz Korea
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, thương mại điện tử không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường mà còn giúp doanh nghiệp địa phương xây dựng năng lực cạnh tranh và phát triển các sản phẩm đặc thù. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Hà Tĩnh đã bắt đầu tham gia xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử, góp phần đưa thương hiệu địa phương vươn ra thị trường quốc tế.
Hội thảo về Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Hà Tĩnh đã mang đến cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan về tiềm năng và thách thức trong việc tham gia thị trường quốc tế thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Sở Công Thương, cùng những chính sách thúc đẩy từ các FTA, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh, đang có cơ hội lớn để phát triển và gia tăng xuất khẩu trong thời đại số hóa.
Thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp có thể vượt qua rào cản địa lý, tối ưu hóa chi phí và nhanh chóng tiếp cận khách hàng trên toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra sự phát triển bền vững cho nền kinh tế địa phương.
Ngọc Hà - Phòng Quản lý Thương Mại