NGÀNH CÔNG THƯƠNG HÀ TĨNH - NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT NĂM 2022
Triển khai Kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn khi xung đột Nga - Ucraina kéo dài, giá năng lượng và một số nguyên vật liệu biến động bất thường, lạm phát duy trì ở mức cao và xu hướng tăng lãi suất ở nhiều quốc gia, cùng với chiến lược kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt ở một số nước đã tác động bất lợi đến thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, một số doanh nghiệp đã cắt giảm quy mô sản xuất. Mặc dù vậy, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành Công Thương đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo đà cho tăng trưởng toàn ngành trong những năm tiếp theo.
Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh làm việc và ký kết hợp tác với Sở Công Thương tỉnh Khăm Muộn và Sở Công Thương tỉnh Bôlykhămxay (CHDCND Lào)
Nhiều dự án lớn được triển khai, góp phần tăng năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Sau 03 năm xây dựng, Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh công suất giai đoạn 1 là 50 triệu lít/năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2022; Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi có công suất 25,5 MW sau 5 năm thi công đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia; Chuỗi nhà máy chế biến gỗ MDF-HDF, Gỗ Plywood của Công ty Thành Thành Đạt tại CCN Vũ Quang và CCN Xuân Lĩnh - Nghi Xuân đi vào hoạt động ổn định, có sản phẩm mới… Nhà máy sản xuất Pin VINES Vũng Áng hoàn thành xây dựng nhà xưởng và đang lắp đặt thiết bị, chuẩn bị đưa vào vận hành chạy thử; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II được đẩy nhanh tiến độ, giải ngân cả năm ước đạt hơn 8.600 tỷ đồng; tổ chức lễ động thổ Dự án đầu tư sản xuất và thương mại công nghệ Pin Lithium với tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Khởi công Nhà máy sản xuất Pin VINES Vũng Áng
Để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 18/5/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 04 năm thực hiện Nghị quyết; qua đó xây dựng và trình UBND tỉnh Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết HĐND tỉnh về chính sách phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tích hợp đồng bộ các chính sách cho phát triển công nghiệp đến năm 2025. Tham mưu UBND tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung 02 dự án Nhà máy thủy điện với tổng công suất 6,5MW; 14 dự án Nhà máy điện gió với tổng công suất 2.235,7 MW và 07 dự án điện mặt trời với tổng công suất 907MWp vào Quy hoạch điện VIII.
Trên lĩnh vực thương mại, năm 2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế tỉnh. Chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 ước đạt 52.822 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Xây dựng, triển khai các chủ trương, chính sách xuyên suốt trong phát triển xuất khẩu, logistics như:Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyên container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, bước đầu đạt được kết quả tích cực, tính từ đầu năm đến nay đã có 25 chuyến tàu container cập cảng Vũng Áng, trong đó có nhiều mặt hàng mới, nhất là hàng quá cảnh (gạch, ván ép, giấy...).
Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Thanh niên Hà Tĩnh đồng hành cùng hàng Việt”... Tập trung hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt các chủ trương về chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử; theo dõi sát thị trường hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu và xăng dầu, kịp thời tham mưu các giải pháp bình ổn thị trường, bảo vệ quyền người tiêu dùng.
Hoạt động khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng. Tổ chức Tuần lễ sản phẩm đặc sản Hà Tĩnh và Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước; Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh năm 2022; Phiên chợ quảng bá sản phẩm hàng hóa Công nghiệp NTTB và sản phẩm OCOP tại thị xã Kỳ Anh; phiên chợ đêm thí điểm gắn với tuyến phố đi bộ năm 2022 tại thành phố Hà Tĩnh.
Tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; kêu gọi, huy động nguồn lực và tổ chức trao kinh phí đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới tại thôn 6, xã Hương Lâm với số kinh phí hơn 350 triệu đồng, giúp đơn vị được đỡ đầu hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.
Trong thời gian tới, bên cạnh những điều kiện thuận lợi như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả thì ngành Công Thương dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước sức ép từ những biến động của kinh tế thế giới khó lường. Để thực hiện thành công mục tiêu tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, ngành Công Thương tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai các cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo động lực phát triển ngành. Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh; Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, tăng cườngquản lý nhà nước về cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa.Tổ chức thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợtỉnh Hà Tĩnh;tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Ba là, xây dựng Kế hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh đồng bộ với Quy hoạch điện VIII quốc gia và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện truyền tải (220kV, 500kV) và phân phối (110kV, 35kV, 22kV, 0.4kV). Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý hạ tầng điện và thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát, báo cáo về tình hình sử dụng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Bốn là, tích cực tham mưu các giải pháp phát triển xuất khẩu, chủ động hội nhập quốc tế, phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đảm bảo chất lượng và hiệu quả.Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2023. Hướng dẫn, tuyên truyền về chuyển đổi số trong doanh nghiệp lĩnh vực ngành Công Thương; phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tăng doanh thu bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử; hoàn thiện số hóa cơ sở dữ liệu lĩnh vực ngành.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, kết nối và quảng bá sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh có điều kiện và hạn chế kinh doanh; xây dựng quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tác giả: Hoàng Văn Quảng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở