Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp thu, giải trình ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trân trọng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến quan trọng về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Theo Bộ trưởng, đây là những ý kiến hết sức quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội đối với sự phát triển của ngành dầu khí nước nhà, giúp cho ngành có cơ hội và điều kiện tốt hơn để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 25/10 đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ cơ bản thống nhất với dự thảo Luật trình Quốc hội. Tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - đoàn Thanh Hóa nêu ý kiến, việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, để có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng đề nghị giải thích hơn về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được quy định tại Điều 12; đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật việc đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54 của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị cần quy định chặt chẽ nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật.
Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí một khoản quy định chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí, thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đại biểu khác đề nghị cần rà soát toàn bộ các nội dung tại Điều 10, đảm bảo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về điều tra cơ bản dầu khí…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trân trọng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến quan trọng về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Đây là những ý kiến hết sức quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội đối với sự phát triển của ngành dầu khí nước nhà, giúp cho ngành có cơ hội và điều kiện tốt hơn để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Thời gian qua, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021.
"Cơ quan chủ trì soạn thảo bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan chủ trì thẩm tra về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, tại phiên họp này, một số đại biểu tiếp tục góp ý rất cụ thể, chi tiết vào một số chương, điều của dự thảo luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra xin được nghiêm túc tiếp thu và sẽ cố gắng thể hiện trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, trước khi trình Quốc hội thông qua. Còn nội dung nào không thể hiện trong dự thảo luật, chúng tôi sẽ thể hiện trong nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, qua ý kiến của các đại biểu trao đổi hôm nay, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo thêm một số vấn đề như sau: Về điều tra cơ bản về dầu khí (Chương II), chúng ta biết, điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động rất quan trọng do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Trước đây, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, do đó việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của nhà nước (bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại PVN) và nguồn vốn của các tổ chức cá nhân là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản.
Bên cạnh đó, điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo cơ chế “giao nhiệm vụ” trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc ký kết thỏa thuận giữa PVN và tổ chức khác thì chỉ được thực hiện khi không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (Chương III), Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, dự thảo Luật đã được thiết kế một chương riêng về lựa chọn nhà thầu (nhà đầu tư) ký kết hợp đồng dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Theo đó, dự thảo Luật được kế thừa Luật Dầu khí hiện hành và Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, đồng thời tham khảo một số nội dung quy định tại Luật Đấu thầu về các điều kiện tham dự thầu.
Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, dự thảo Luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt (chưa được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành). Cụ thể, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (so với mức 32% theo quy định hiện hành); thu hồi chi phí tối đa 80% (so với mức 70% theo quy định hiện hành) trên cơ sở tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.
"Chẳng hạn như mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn chứng, đồng thời bày tỏ, việc ưu đãi này sẽ mở ra cơ hội tăng thu cho ngân sách nhà nước do mở rộng đối tượng ký mới hợp đồng và khai thác. Mặt khác, quy định cụ thể mức thuế tại Luật Dầu khí là rất cần thiết để bảo đảm áp dụng ngay khi Luật thuế chưa sửa đổi kịp thời.
Về nội dung quy định chính sách khai thác tận thu dầu khí của dự thảo Luật (Điều 55), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Dự thảo Luật quy định giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo nguyên tắc “doanh thu trừ chi phí”, theo đó chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tận thu dầu khí (chênh lệch thực dương) được nộp vào ngân sách nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không hưởng lợi nhuận từ hoạt động này).
Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí, việc áp dụng nguyên tắc “doanh thu trừ chi phí” như quy định tại Dự thảo Luật sẽ tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi để khai thác tận thu tài nguyên dầu khí, đặc biệt khi giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động bất thường; bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn nghĩa vụ thuế tài nguyên dầu khí phải nộp theo quy định, thay vì phải kết thúc sớm dự án khai thác tận thu dầu khí dẫn đến lãng phí tài nguyên quốc gia.
Cũng theo người đứng đầu ngành Công Thương, đến nay, tất cả các điều khoản quy định của dự án Luật đã được hoàn thiện trên cơ sở thống nhất cao giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều.
Theo đó, đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm sự phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo "moit.gov.vn".