Giải pháp về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới
Trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của tỉnh có sự phát triển và đạt được những kết quả quan trọng, thu hút được nhiều dự án đầu tư; giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Cơ cấu ngành công nghiệp có bước chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá. Tuy vậy, phát triển sản xuất CN-TTCN vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh...
Để nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, ngày 18/5/2018, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đến năm 2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết số 08). Theo đó với quan điểm phát triển CN-TTCN phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặt trong mối quan hệ tổng thể, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp vùng; là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là cơ sở, động lực để phát triển các ngành nông nghiệp và dịch vụ thương mại; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm;ưu tiên công nghệ hiện đại, tiên tiến, tuyệt đối không thực hiện các dự án không đảm bảo môi trường…
Những kết quả đạt được
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, kinh tế Hà Tĩnh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (bão, lũ, sạt lở), của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, đại dịch Covid-19. Song với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, qua gần 06 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, công tác phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn đạt ở mức cao trong khu vực Bắc Trung Bộ; tỷ trọng của ngành công nghiệp trong quy mô GRDP Hà Tĩnh tăng từ 32,30% (năm 2018) lên 40,54% (06 tháng đầu năm 2024), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn dắt đà tăng trưởng chung của ngành với “đầu tàu” là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Một số dự án công nghiệp quan trọng đã hoàn thành và phát huy hiệu quả như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy sản xuất gỗ MDF-HDF Thanh Thành Đạt, Nhà máy sản xuất pin Vines Vũng Áng, các nhà máy điện mặt trời, Nhà máy bia Hà Nội Nghệ Tĩnh, Nhà máy bia Sài Gòn – Hà Tĩnh... Các sản phẩm công nghiệp chủ lực mới như thép, sản xuất điện, chế biến gỗ đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh.
Một số tồn tại, hạn chế
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 08 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đẩy giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao cùng với đó là diễn biến phức tạp của đại dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuổi cung ứng nguyên vật liệu ảnh hưởng rất lớn trong quá trình sản xuất, thiên tai bão lũ… đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt của đời sống xã hội nói chung và phát triển CN-TTCN nói riêng; việc thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp chế biến sâu sử dụng nguồn nguyên liệu thép của FHS, công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản còn nhiều khó khăn; hạ tầng các KCN, CCN còn yếu, thiếu đồng bộ; các CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư còn phụ thuộc vào ngân sách đầu tư của tỉnh; số lượng dự án thứ cấp được thu hút vào một số KCN, CCN[1] còn ít; số lượng doanh nghiệp đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng còn ít; mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp ngoại tỉnh, đối tác nước ngoài còn hạn chế...
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Ngày 07/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 57-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XIX, Nghị quyết số 08 của BCH Đảng bộ tỉnh, Các Nghị quyết của HĐND, Chương trình hành động số 518/CTr-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh; thường xuyên rà soát đánh giá các chính sách phát triển CN-TTCN trong thời gian qua nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn của tỉnh trong tình hình mới.
Hai là, Tổ chức triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh làm cơ sở xây dựng chính sách, thu hút đầu tư… nhằm thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ba là, tiếp tục thành lập mới/mở rộng các KCN, CCN theo Phương án phát triển các KCN, CCN được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN; tăng cường thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI vào các ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như thép và chế tạo các sản phẩm từ thép; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may; vật liệu xây dựng chất lượng cao; dược phẩm sinh học…; tạo điều kiện để các dự án đã đăng ký đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng để dự án[2] hoàn thành, đi vào hoạt động phát huy hiệu quả dự án, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi số trong phát triển CN-TTCN; xúc tiến đầu tư, thương mại đối với các KKT, KCN, CCN; ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất CN-TTCN.
Năm là, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính (PAPI) cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.
Sáu là, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực CN-TTCN, trong đó: chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp có chuyên môn cao, kỹ năng quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh; xây dựng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật; có năng lực tiếp thu và sáng tạo trong sản xuất.
Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; phát huy vai trò các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, trong đó: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý Nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan trung ương, sự đồng hành của HĐND tỉnh, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc một cách quyết liệt, căn cơ của UBND tỉnh, các sở ngành và địa phương thời gian tới công nghiệp Hà Tĩnh sẽ thu được những thành quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế, góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và hiện thực phương hướng[3] phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu./.
[1] KCN Đại Kim, KCN Gia Lách, CCN Gia Phố, CCN Kỳ Ninh, CCN huyện Vũ Quang…
[2] Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1), huyện Thạch Hà và KCN Vinhomes Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh.
[3] Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 của Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng là một trong 4 trụ cột làm trọng điểm phát triển cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Đặng Văn Thành - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương