Hà Tĩnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình OCOP
Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể nhất là trong phát triển sản xuất; đời sống vật chất người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng khá. Có sự chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất, từ nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường... Tuy vậy, các sản phẩm sản xuất ra chất lượng chưa cao, khối lượng chưa nhiều chủ yếu xuất bán dưới dạng sản phẩm thô, chưa qua chế biến do vậy giá trị gia tăng thấp; vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang là bài toán khó, sản phẩm chưa có nhãn mác thương hiệu, tiêu thụ bấp bênh không xác định rõ thị trường chiến lược.
Trước tình hình đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được triển khai trên địa bàn tỉnh với kỳ vọng hình thành, phát triển sản xuất các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ truyền thống, có lợi thế theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với định hướng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cộng đồng. Để đạt được mục tiêu đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của ngành trong tổ chức thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung vào công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Sở tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thông qua chính sách 3-5 tỷ đồng mỗi năm cho phát triển chuỗi liên kết (Giai đoạn 2013-2018, hỗ trợ 86 đơn vị với số tiền 23,5 tỷ đồng); xây dựng 05 điểm bán hàng việt ở nông thôn, 14 mô hình liên kết hộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 02 mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng. Đồng thời tham mưu tổ chức thành công 03 lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh; 16 hội nghị kết nối giao thương; 19 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; tham gia 12 hội chợ trong tỉnh, 60 hội chợ ngoài tỉnh, 08 hội chợ nước ngoài. Bên cạnh đó, giai đoạn 2013 đến nay, Sở tham mưu hỗ trợ 67 đề án khuyến công với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng; tổ chức 04 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh; tham gia 04 lần bình chọn sản phẩm CNNT cấp khu vực, 03 lần bình chọn sản phẩm CNNT cấp quốc gia. Tổ chức thành công trưng bày sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh gắn với Lễ tổng kết 10 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và Hội nghị cấp cao 09 tỉnh 03 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12 vào cuối tháng 9/2019, góp phần quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, khẳng định thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường, quảng bá đến người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và quốc tế.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Chương trình Quốc gia về tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hoá mang tính đặc trưng, có lợi thế của địa phương đảm bảo chất lượng, chủ yếu do người dân địa phương chủ động tạo ra (tự lực, tự tin và sáng tạo), nguồn nguyên liệu chủ động đảm bảo sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, bền vững; nhằm phát triển mạnh nội sinh, gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng lợi ích cộng đồng ở địa phương.
Thời gian tới, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, đưa chương trình đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, Ngành công thương Hà Tĩnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng trung tâm OCOP cấp tỉnh và hệ thống điểm bán sản phẩm OCOP có liên kết với sản xuất đạt chuẩn; liên kết các điểm bán sản phẩm OCOP tạo thành chuỗi cửa hàng OCOP trong tỉnh; hỗ trợ kết nối các tour tuyến du lịch đến với các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại 05 mô hình cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất, gắn với thực hiện Chương trình OCOP đã xây dựng năm 2018. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị xây dựng hệ thống các điểm bán hàng OCOP, chú trọng tại các vị trí tập trung dân cư, các điểm dừng nghỉ, các trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các hội chợ triển lãm thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu Hà Tĩnh, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững. Kết hợp tổ chức hội chợ lồng ghép với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của tỉnh nhằm gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại với hoạt động xúc tiến du lịch và giao lưu văn hoá, tăng cường sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và du khách trong và ngoài nước. Quan tâm hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trực tiếp hoặc trực tuyến trên mạng internet cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, đưa sản phẩm OCOP lưu thông tại các hệ thống phân phối hiện đại.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, trong thời gian tới, công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Hà Tĩnh sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn.
Lê Xuân Từ