Hộ lắp điện mặt trời được hỗ trợ đến 9 triệu đồng
Sáng nay (25.7), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”.
Hỗ trợ khoảng 15% chi phí lắp đặt
Bà Phạm Thùy Dung, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết : Mục tiêu là đến cuối năm 2025 có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tương đương 1.000 MWp sẽ được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) : Việt Nam nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế, trong đó đặc biệt có dự án GET-FIT - "Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam: hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà" do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ với tổng mức nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 14,5 triệu euro. Đối tượng được tài trợ là các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Cụ thể, các hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/1 kWp. Theo khảo sát, trung bình mỗi hộ có đủ điều kiện lắp đặt khoảng 2 - tối đa 3 kWp, do đó mức hỗ trợ dự kiến cho mỗi hộ khoảng từ 6 - 9 triệu đồng, tương ứng khoảng khoảng 15% chi phí lắp đặt. Chương trình kéo dài từ 2019 - 2021.
Về cách thức hỗ trợ, Bộ Công thương sẽ triển khai tương tự chương trình hỗ trợ các hộ lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời đã triển khai trước đây. Theo đó, các đơn vị điện lực sẽ giám sát cụ thể. EVN sẽ thiết lập một hệ thống phần mềm, đảm bảo tất cả người dân, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, ký kết xong hợp đồng mua bán điện sẽ được xuất hóa đơn, thông qua đó nhận tiền hỗ trợ. Tất cả sẽ được công khai, minh bạch và áp dụng đối với tất cả các hộ dân, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái" - ông Dũng thông tin. Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà
Ngoài ra, các tổ chức, nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, USAID, Liên minh châu Âu cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam về các hoạt động kỹ thuật, nghiên cứu xây dựng chính sách và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ... để khuyến khích phát triển năng lượng sạch hiệu quả.
"Trám" lỗ hổng thiếu điện
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng. Cụ thể, trong năm 2019, tổng nguồn cung năng lượng điện phải có là 52.600 MW. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới đạt 48.800 MW, thiếu hụt khoảng 3.000 MW so với quy hoạch. Đến 2025, nhu cầu về nguồn điện theo quy hoạch phải đạt 89.000 MW, đến 2030 phải đạt mức 110.000 MW.
Tổng nhu cầu điện của toàn quốc giai đoạn 2019 - 2030 sẽ tiếp tục tăng cao. Dự kiến trong năm 2019, công suất phụ tải là 38.447 MW, năm 2025 lên tới 63.400 MW và đến 2030 lên tới khoảng 90.000 MW.
Với tốc độ nhu cầu tăng bình quân gần 10%/năm, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh/năm, tương đương công suất nguồn cần thêm ít nhất 4.500 - 5.000 MW nguồn nhiệt điện hoặc từ 14.000 - 16.000 MW nếu là năng lượng tái tạo.
"Các con số nêu trên cho thấy, chúng ta đang mất cân đối về cung - cầu trong giai đoạn 2019 - 2025, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2023. Chúng ta đang huy động tất cả các nguồn nhiệt điện, thậm chí phải phát điện chạy dầu (rất đắt) nhưng cũng không đủ đáp ứng. Dự kiến phát điện dầu khoảng 1,7 tỉ kWh vào năm 2019 và đến 2020 là 5,2 tỉ kWh nhưng đến thời điểm này, do thủy văn kém, đã sử dụng tới 700.000 kWh và từ giờ đến cuối năm, EVN sẽ phải phát tăng lượng dầu lên thêm 1,8 tỉ kWh, tổng sản lượng huy động phải ở mức 3,5 tỉ kWh. Với bức tranh hiện nay, khả năng điện Việt Nam sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 3,7 tỉ kWh vào năm 2021, tăng lên 10 tỉ vào năm 2022 và đến 2023, thiếu hụt khoảng 12 tỉ kWh" - đại diện EVN dự báo.
TS Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết trong bối cảnh nguồn thủy điện tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung gần như đã khai thác hết, các dự án nhiệt điện chậm tiến độ, hạn hán, thiếu nguồn nước tại nhiều khu vực, việc mở rộng nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo, mà cụ thể là nhân rộng số lượng hệ thống điện mặt trời áp mái và vô cùng cấp bách.
"Chính phủ ngày càng nhận thức rõ vai trò của năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở mức 6,5% tổng cơ cấu nguồn vào năm 2020 và 10,7% vào năm 2030; tiết kiệm năng lượng 10% trong tổng mức tiêu thụ điện vào năm 2020" - ông Kim nói.
"Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 gồm năm hợp phần:
1) Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường
2) Xây dựng bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm
3) Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm
4) Thực hiện các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái
5) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương được giao chủ trì thực hiện, trên cơ sở lồng ghép các hoạt động của chương trình với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển của các nhà tài trợ như Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V- LEEP) của USAID, Tổ chức Hợp tác Đức GIZ, Ngân hàng Tái thiết Đức và Chương trình hỗ trợ năng lượng của EU và Ngân hàng Thế giới.
Thái Hoàng Nhật (Theon Hà Mai - Thanh nien 0nline, ngày 25/7/2019)