MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Làng nghề có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn, nhất là phát triển làng nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề TTCN trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thông qua việc lồng ghép các cơ chế chính sách, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, nhờ đó các làng nghề trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 về một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025; Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020, Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 47/2019/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh quy định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn công tác của Sở Công Thương tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của làng nghề chế tác Trầm hương Phúc Trạch, Hương Khê tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 13 nghề truyền thống, 06 làng nghề và 08 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Hình thức tổ chức sản xuất ở các làng nghề chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, với 2.832 hộ, 24 doanh nghiệp và 8 hợp tác xã; giải quyết việc làm cho 8.340 lao động, trong đó có 6.848 lao động thường xuyên; tổng doanh thu của các làng nghề ước đạt 970 tỷ đồng. Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận trên địa bàn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khá cao, cụ thể: Năm 2022, doanh thu từ các làng nghề đã được công nhận ước đạt hơn 900 tỷ đồng, trong đó các làng nghề TTCN chiếm 90% với hơn 2.000 cơ sở tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, giải quyết việc làm cho 5.319 lao động thường xuyên. Một số làng nghề đã có sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có mẫu mã và chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương; đến nay có 20 sản phẩm thuộc các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 03 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 01 làng nghề được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Để tạo điều kiện phát triển làng nghề, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch 08 cụm công nghiệp (CCN) làng nghề; việc quy hoạch, xây dựng các CCN làng nghề đã góp phần mở rộng quy mô, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống, đồng thời góp phần giảm thiểu tác động của việc phát triển các làng nghề đối với chất lượng môi trường sống của các khu dân cư trên địa bàn. Hỗ trợ phát triển các CCN làng nghề từ nguồn ngân sách (đầu tư hạ tầng CCN Thạch Kim: 34 tỷ đồng; CCN Trung Lương: 21,4 tỷ đồng; CCN Thái Yên: 36 tỷ đồng; CCN Trường Sơn: 2,2 tỷ đồng). Hàng năm ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công hỗ trợ các cơ sở/dự án hoạt động trong các CCN làng nghề trên địa bàn. Về trang thiết bị, công nghệ, nhìn chung các làng nghề đang sản xuất theo phương pháp truyền thống, một số làng nghề đã bắt đầu áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Về thực trạng môi trường làng nghề, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề và CCN làng nghề đã thực hiện thủ tục môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, công tác phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế như sau: quy mô sản xuất các làng nghề nhỏ, manh mún, chủ yếu quy mô hộ gia đình, sản xuất thủ công thuần túy; việc ứng dụng máy móc, khoa học công nghệ vào sản xuất còn ít nên năng suất thấp; sản phẩm chưa đa dạng, khả năng cạnh tranh thấp. Mức thu nhập của lao động trong các làng nghề thấp, công việc theo mùa vụ, chủ yếu là lao động phổ thông. Công tác đào tạo, truyền nghề chưa hiệu quả, chưa phát huy được vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi trong đào tạo. Sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc mở mang, truyền nghề, cấy nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa rộng rãi. Chưa khai thác tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề chưa được quan tâm, giải quyết triệt để.
Để tiếp tục phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường liên kết giữa các trường, các trung tâm và các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề tham gia đào tạo nghề; tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.
Thứ hai, Thành lập, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các làng nghề. Hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các cơ sở làm nghề tại các làng nghề chủ động, tích cực liên kết hợp tác, tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức có tư cách pháp nhân tại các làng nghề. Hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở đầu tư công nghệ mới, thiết bị và máy móc tiên tiến, phát triển sản phẩm mới; mở rộng dịch vụ kinh doanh sản phẩm làng nghề gắn với du lịch làng nghề nông thôn.
Thứ ba, Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và vật liệu mới vào sản xuất, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đầu tư phát triển các sản phẩm mang tính địa phương, sử dụng nguyên liệu và công nghệ truyền thống để tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, độc đáo, gắn liền với đặc trưng của làng nghề. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với cộng đồng trong và ngoài làng nghề; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ; hệ thống nhận diện thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, phát triển logo, slogan, tên thương hiệu độc đáo, dễ nhớ, gắn liền với sản phẩm và nét đặc trưng của làng nghề; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm làng nghề. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở làm nghề tại các làng nghề tham gia các sự kiện để giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến khách hàng tiềm năng.
Thứ năm, Phát triển sản phẩm làng nghề tiêu biểu gắn với Chương trình OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề rà soát, củng cố và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP; từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch làng nghề, tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, Nâng cao ý thức và nhận thức của người dân trong làng nghề về vấn đề môi trường; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề; hỗ trợ đầu tư nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở trong làng nghề; xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung cho làng nghề. Chuyển đổi nghề, di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề.
Thứ bảy, Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề. Rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở ngành nghề nông thôn nói chung và làng nghề nói riêng về đất đai, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xử lý ô nhiễm môi trường.
Mai Như Ánh