Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới
Chi bộ cơ sở là hạt nhân chính trị của Đảng, là nơi trực tiếp lãnh đạo cơ sở thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ và của cấp ủy cấp trên.
Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Việc đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác ở cơ quan.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì việc sẽ tốt”; “; “Muốn chi bộ phát triển tốt, thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ”. Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu của chi bộ, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Chi bộ không sinh hoạt thường kỳ xem như ngưng hoạt động.
Thực tiễn đã cho thấy, những chi bộ trong sạch, vững mạnh là những chi bộ duy trì sinh hoạt chi bộ nền nếp, có nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực, có hình thức sinh hoạt đa dạng, có chất lượng tốt.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 09 và Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”, Đảng ủy sở Công Thương đã chỉ đạo các chi bộ tuyên truyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo hướng dẫn cho các chi bộ trực thuộc về nội dung, cách thức sinh hoạt; yêu cầu các chi bộ đăng ký lịch sinh hoạt hàng tháng gửi Đảng ủy khối và đảng ủy sở để cử đại diện dự, giám sát; tổ chức 3 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với 7 chi bộ trong thực hiện sinh hoạt chi bộ.
Nhìn chung, các chi bộ trong Đảng bộ sở đã duy trì sinh hoạt đúng thời gian qui định, nhiều chi bộ đã thực hiện sinh hoạt chuyên đề mỗi quý một lần về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hoặc chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu khó, để sinh hoạt chuyền đề; nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới, phong phú; thực hiện lồng ghép việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với khắc phục các yếu kém, tồn tại; Phương pháp điều hành sinh hoạt, điều hành thảo luận, gợi mở vấn đề khoa học hơn. Vai trò, trách nhiệm người chủ trì, cấp ủy được thể hiện rõ nét hơn.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập như:
Nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của chi bộ trong tháng chưa nêu rõ vai trò lãnh đạo của chi bộ, còn liệt kê vụ việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị; Có chi bộ chưa đánh giá một cách cụ thể việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chưa đề cập đến khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó; nhiệm vụ của chi bộ đề ra trong tháng tới còn thiếu cụ thể, chưa bám sát nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị; phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ chưa rõ ràng;
Một số đảng viên còn thụ động, ngại va chạm, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình; ít tham gia đóng góp ý kiến. Vai trò của người chủ trì trong việc gợi mở nội dung để tham gia góp ý còn hạn chế; sổ sách ghi chép chưa khoa học; đảng viên trẻ còn tình trạng “ngại nói, sợ nói”.
Sau sinh hoạt một số cấp ủy, bí thư chưa phân công, giao nhiệm vụ cụ thể để biến chương trình, nghị quyết thành hành động trong khi đây chính là cơ sở quan trọng để sinh hoạt lần sau lấy làm căn cứ, cơ sở để kiểm điểm các nội dung đã phân công, đánh giá công việc đã làm được đến đâu, hiệu quả ra sao.
Nguyên nhân của những hạn chế trước hết là ở nhận thức của một số cấp ủy, nhất là đồng chí Bí thư chi bộ, trách nhiệm của đảng viên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa đầy đủ. Thứ hai, công việc chuyên môn nhiều, đảng viên thường phải đi cơ sở nên việc chuẩn bị, sắp xếp thời gian sinh hoạt khó khăn. Thứ ba, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư chi bộ chưa được quan tâm đúng mức.
Để khắc phục và nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao ý thức đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt Chi bộ
Chất lượng Chi bộ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đảng viên, đảng viên có nhận thức, góp ý thảo luận sôi nổi, có trọng tâm trọng điểm thì nơi đó chất lượng hoạt động của Chi bộ được nâng lên. Do đó muốn tham gia góp ý có chất lượng, có chiều sâu thì trước các kỳ sinh hoạt Chi bộ, đảng viên phải nghiên cứu kỹ nội dung để tham gia và coi đây là trách nhiệm của mình.
Thứ hai, nâng cao chất lượng điều hành trong sinh hoạt Chi bộ
- Bí thư Chi bộ (hoặc đồng chí được phân công) chủ trì, điều hành cuộc họp Chi bộ phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình đề ra; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian sinh hoạt. Nội dung báo cáo trước Chi bộ phải rõ ràng, ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho phần thảo luận.
- Chủ trì cuộc sinh hoạt phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, lắng nghe phát biểu của đảng viên và gợi mở những vấn đề thiết thực để đảng viên thảo luận. Những vấn đề cần phải biểu quyết nhưng đang còn có những ý kiến khác nhau, Chi bộ trao đổi, thảo luận kỹ để tạo sự thống nhất trước khi biểu quyết.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên
- Cấp ủy cấp trên phân công cấp ủy viên phụ trách, thường xuyên tham dự sinh hoạt Chi bộ để hướng dẫn, giúp đỡ; hoặc có kế hoạch kiểm tra chấp hành chế độ sinh hoạt Chi bộ, tình hình thực hiện nhiệm vụ, thực hiện các nguyên tắc sinh hoạt Đảng..., để kịp thời chấn chỉnh.
- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các chi bộ sinh hoạt tốt. Xử lý nghiêm những chi bộ, đảng viên, kể cả cấp ủy viên không chấp hành việc sinh hoạt chi bộ mà không có lý do chính đáng.
Võ Tá Nghĩa