Phát triển Công nghiệp bền vững - xu thế tất yếu trong cuộc cạnh mạng công nghiệp 4.0
Phát triển công nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang dần thể hiện được vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của Hà Tĩnh trên tất cả các phương diện. Hà Tĩnh hiện có 02 khu kinh tế, 03 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có 05 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ thông tin và 22 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt.
Trong những năm qua, công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh có bước phát triển khá nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 27,81%/năm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 5,65% năm 2010 lên 23,61% vào năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2017 đạt 1,04 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,95%/năm. Năm 2018, Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng mức cao nhất từ trước tới nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (theo giá so sánh 2010) dự kiến đạt 44.700,59 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2017. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng nhanh, từ 8,83% (năm 2015) lên 33,87% (năm 2018). Cơ cấu sản xuất nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 88,98% so với năm 2017; trong đó đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành là công nghiệp chế biến chế tạo (ước tăng 102,4%) và sản xuất phân phối điện (ước tăng 31,3%).
Một số sản phẩm công nghiệp duy trì tốc độ tăng khá so với cùng kỳ như bia lon sản lượng đạt 60,371 triệu lít tăng 3,4%; sợi đạt 7.986 tấn, tăng 54,5%; tổng sản lượng điện sản xuất tiêu thụ đạt 6,24 tỷ KWh tăng 23,8%; các ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 37,69%; ngành khai khoáng tăng trở lại sau thời gian dài giảm, tăng mức 5%. Tốc độ tăng đột phá có thể kể đến là sản phẩm của Dự án Formosa Hà Tĩnh, sản lượng thép năm 2018 đạt 4,3 triệu tấn gấp 2,8 lần so với cùng kỳ nhờ Formosa vận hành thử Lò cao số 2 vào vào cuối tháng 5/2018 theo đúng kế hoạch, đảm bảo hoạt động ổn định và liên tục cả 2 lò cao.
Bên cạnh sự phát triển ổn định của các Nhà máy lớn như Bia Sài gòn – Hà Tĩnh, Sợi Hồng Lĩnh, Nhiệt Điện Vũng Áng 1, thì Dự án sản xuất Gỗ MDF của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt với công suất 120.000 m3/ngày, gỗ ván thanh 2.400 m3/ngày, có tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng tại CCN Vũ Quang được kỳ vọng là dự án sẽ tạo động lực cho việc đảm bảo liên kết trong trồng và chế biến gỗ nguyên liệu, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách và góp phần lớn vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Hoạt động công nghiệp nông thôn tại các cụm công nghiệp đã đóng góp lớn trong tỷ trọng công nghiệp toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 22 cụm công nghiệp đã được thành lập, quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 571,18 ha. Tính đến nay, nguồn vốn đầu tư cho CCN là gần 800 tỷ đồng. Hiện có 17 CCN đã đi vào hoạt động với 242 dự án đăng ký, có 139 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư là 4.958 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt 59%; giải quyết việc làm cho hơn 3.300 lao động, giá trị SXCN tại các CCN đạt trên 3.500 tỷ đồng/năm. Qua những năm thực hiện chính sách phát triển cụm công nghiệp theo Nghị quyết 73/2013/NQ-HĐND các cụm công nghiệp đã thu hút được trên 100 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị sản xuất trên 800 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động, ngoài ra còn hàng trăm dự án đã đăng ký đầu tư. Hiện có 05 CCN đã giao cho doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đặc biệt tại CCN Thái Yên Công ty CP Đầu tư IDI đã được chấp thuận chủ trương với quy mô 15,73ha, tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 đầu tư 11,33ha với tổng kinh phí đã đầu tư đạt trên 100 tỷ đồng. Đến nay Diện tích đầu tư giai đoạn 1 dự án là 11,33ha đã được đầu tư đồng bộ, trong đó đất phục vụ SXKD là 7,12ha, hiện đã có 50 dự án thứ cấp đăng ký vào cụm, với diện tích đăng ký là 3,6 ha, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất công nghiệp giai đoạn 1 của cụm; Trong đó có 23 cơ sở đã khởi công xây dựng, hiện có 11 cơ sở đã đi vào hoạt động sản xuất bước đầu phát huy hiệu quả. Tháng 6/2018, dự án đầu tư hạ tầng CCN Thái Yên (phần mở rộng) đã chính thức khánh thành đi vào hoạt động, thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn với mặt bằng đồng bộ nhất hiện nay trên địa bàn, là mô hình điểm để các cụm công nghiệp khác phát triển, nhân rộng.
Tuy vậy, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trong thời gian qua nhìn chung chưa thực sự bền vững; chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, nguyên liệu đầu vào và nhân công lao động; hàm lượng khoa học công nghệ đóng góp vào giá trị tăng trưởng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất, thiết bị máy móc còn lạc hậu, nhất là trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp; chủ yếu là công nghệ bán thủ công (87%). Sản phẩm hàng hóa chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, chưa được xây dựng thương hiệu hoặc đã xây dựng nhưng chưa có chiến lược phát triển thương hiệu mạnh mẽ.
Qua 6 năm triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay một số mục tiêu, chỉ tiêu về công nghiệp đề ra chưa đạt hoặc khả năng không đạt được. Các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập và phát huy hiệu quả nhất định; tuy vậy, so với yêu cầu vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư hạ tầng, hạ tầng kết nối khu, cụm công nghiệp với các trục giao thông chính, đặc biệt việc đầu tư khu xử lý chất thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ dẫn đến việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đạt kết quả thấp. Trong bối cảnh khó khăn thách thức rất lớn do sự cố môi trường biển và các đợt lũ lụt vào những tháng cuối năm 2016, các cơn bão trong năm 2017, đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp.
Nhìn nhận, đánh giá hết những khó khăn, những thiệt hại nặng nề, hệ lụy đến sự phát triển, mới thấy hết được giá trị của sự tăng trưởng trong các năm gần đây, có thể nói Công nghiệp Hà Tĩnh đã bứt phá trong khó khăn vươn lên phát triển. Có được sự tăng trưởng, bứt phá trên đây, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh, các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt, bám sát cơ sở; tập trung cao cho các nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc kịp thời của các sở ban ngành, các địa phương, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Việt Nam đang trong giai đoạn tăng cường năng lực để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Vì vậy, Hà Tĩnh cần có sự nhìn nhận, chuẩn bị kỹ lưỡng làm tiền để cho sự phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới theo đúng xu thế thời đại.
Việc xác định phát triển kinh tế, trong đó chủ đạo là phát triển công nghiệp bảo đảm bền vững, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Hà Tĩnh tất yếu phải hướng tới.
Để có chiến lược lâu dài trong phát triển công nghiệp bảo đảm tính bền vững, ổn định, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo theo hướng bền vững, hiện đại” trình BCH đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018. Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã khẳng định “Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là cơ sở, động lực để phát triển của các ngành kinh tế khác. Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với đảm bảo quốc phòng, an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội”, đề ra một số giải pháp phát triển công nghiệp trong thời gian tới có tính lý luận và thực tiễn cao, trong đó có những giải pháp rất quan trọng như: Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó điều chỉnh quy mô, lộ trình thực hiện các dự án trọng điểm đảm bảo phát triển bền vững.
Sau khi Nghị quyết 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ban hành, Sở Công Thương đã tập trung tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành: Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp đến năm 2025, tập trung vào 3 nhóm chính sách: (1) Chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp nhằm hỗ trợ, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trong đó chú trọng xã hội hóa đầu tư để kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; (2) chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và (3) chính sách khuyến công; Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020 tập trung các chính sách (1) chính sách về thương mại điện tử (2) xúc tiến thương mại.
Thời gian tới với những giải pháp đồng bộ, các chính sách về CN – TTCN, Thương mại điện tử, Xúc tiến thương mai được hấp thu hiệu quả, cùng với chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, tin tưởng rằng công nghiệp Hà Tĩnh sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc, bảo đảm sự tăng trưởng bền vững, ổn định, phù hợp với xu thế của cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0
Hoàng Văn Quảng– Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh