Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Nghệ An
Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản (NLTS), nhờ lợi thế về đất đai rộng lớn và vùng nguyên liệu trung từ sản xuất nông nghiệp. Với vị trí địa lý là cửa ngõ giao thông trong tương lai và hạ tầng giao thông đang được đầu tư phát triển, cùng với sự quan tâm về chính sách của Nhà nước và của tỉnh để trở thành Trung tâm chế biến nông lâm thủy sản của vùng Bắc Trung bộ. Bởi vậy, công nghiệp chế biến NLTS được xem là lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn và được tỉnh hết sức chú trọng từ khâu xây dựng quy hoạch, các chương trình, đề án cho đến hoạt động xúc tiến đầu tư.
Cùng với việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) nhằm đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng,... Công nghiệp chế biến NLTS của Nghệ An đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định được vị trí vai trò trong ngành, góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế - xã hội:
I. Một số kết quả đạt được
1. Lĩnh vực công nghiệp chế biến NLTS đã thu hút được đông đảo nhất lực lượng doanh nghiệp và người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm, có tác động lan tỏa đến nhiều ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp cũng như đổi mới tư duy và phương thức sản xuất ngày càng hiện đại, hiệu quả. Tính đến nay, toàn ngành chế biến NLTS có tổng số 14.829 cơ sở quy mô khác nhau, giải quyết cho bình quân 29.000 - 30.000 lao động hàng năm. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến NLTS tăng từ 7.105 tỷ đồng trong năm 2012 lên 13.696 tỷ đồng năm 2017. Một số sản phẩm đạt quy mô sản lượng khá như: Sữa 230 triệu lít, Đường kính 130 ngàn tấn; Ván MDF 130.000 m3, Nước mắm các loại 150 triệu lít,...
Bảng 1: GTSX và tăng trưởng ngành CBNLTS, TP 2012-2017(giá 2010)
Ngành, lĩnh vực |
Năm 2012 |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
TTBQ (%) |
1. Sản xuất, CB thực phẩm |
5.310 |
6.009 |
7.309 |
8.861 |
9.356 |
9.984 |
11,49 |
2. Chế biến gỗ và SP từ gỗ |
1.891 |
2.261 |
2.434 |
2.071 |
2.490 |
2.867 |
8,86 |
3. SX giấy và SP từ giấy |
409 |
474 |
697 |
818 |
763 |
845 |
16,67 |
GTSX ngành CBNLTS,TP |
7.105 |
8.142 |
9.015 |
9.554 |
12.609 |
13.696 |
11,17 |
GTSX toàn ngành |
21.328 |
23.349 |
26.044 |
29.933 |
34.086 |
38.639 |
15,07 |
Tỷ trọng (%) |
33,31 |
34,87 |
34,61 |
31,92 |
36,99 |
35,45 |
|
Đã thu hút được một số dự án đầu tư quy mô tầm cỡ khu vực và quốc gia với công nghệ hiện đại, tạo động lực và sức lan tỏa phát triển nhất là giai đoạn từ năm 2011 trở lại đây như: Tổ hợp chăn nuôi bò sữa gắn với nhà máy chế biến Sữa của Tập đoàn TH True Milk; Nhà máy Sữa Vinamilk Nghệ An; Nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh và và gỗ ván MDF Nghĩa Đàn của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; Nhà máy sản xuất ván MDF Anh Sơn; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn; Nhà máy sản xuất cá hộp Royal Foods; Trung tâm công nghiệp thực phẩm Massan MB,... Các dự án này đã góp phần quan trọng làm thay đổi tỷ trọng công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn.
2. Hình thành được một số lĩnh vực sản xuất có thế mạnh, sản phẩm ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường:
- Chế biến sữa: Tổng công suất chế biến sữa hiện nay đạt 236 triệu lít/ năm gồm: Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH True Milk công suất 200 triệu lít/năm; Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An công suất mở rộng đạt 36 triệu lít/ năm. Ngành chế biến sữa của tỉnh có tiềm năng mở rộng trong những năm tiếp theo nhờ lợi thế vùng nguyên liệu và diện tích chăn nuôi vẫn còn dự địa mở rộng, cùng với khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất của các doanh nghiệp chế biến sữa hiện tại.
- Chế biến nước trái cây: Là lĩnh vực có thế mạnh dựa vào vùng nguyên liệu cây ăn quả dài ngày rộng lớn như cam quýt, dứa, nhãn, chanh leo,... Công ty CP Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) với dây chuyền sản xuất nước chanh leo cô đặc, nước ép trái cây và Nhà máy dứa cô đặc Quỳnh Lưu quy mô 5000 tấn/năm, với vùng nguyên liệu ổn định 900 ha chanh leo và 250 ha gấc trở thành doanh nghiệp số 1 Việt Nam và khu vực châu Á về xuất khẩu các loại nước ép trái cây và thức uống bổ dưỡng với thị trường chủ yếu là các nước EU, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc. Ngoài ra, tập đoàn TH cũng vừa khởi công Nhà máy sản xuất nước thảo dược và nước hoa quả Núi Tiên có công suất dây chuyền nước hoa quả là 36.000 chai/giờ.
- Sản xuất đường: Có 3 nhà máy với tổng công suất chế biến 13.800 tấn mía cây/ngày, trong đó Nhà máy đường NASU có công suất lớn nhất 9.000 tấn/ngày. Tổng sản lượng đường kính hàng năm đạt từ 120 - 130 ngàn tấn, những năm gần đây sản lượng đường có xu hướng giảm do năng suất mía giảm ảnh hưởng bởi sâu bệnh, và diện tích vùng nguyên liệu giảm do chuyển đổi sang phục vụ mục đích các dự án khác cũng như bị cạnh tranh của các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
- Chế biến chè: Nghệ An là tỉnh sản xuất chè và đứng thứ ba trên toàn quốc. Vùng nguyên liệu có nhiều giống chè chất lượng tốt như LDP1, LDP2, Tuyết Shan với trình độ canh tác thâm canh cho năng suất và sản lượng ngày càng cao. Hiện tại toàn tỉnh có 86 cơ sở sản xuất với tổng công suất thiết kế đạt 871 tấn chè búp tươi/ngày, trong đó Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An có năng lực chế biến lớn nhất đạt công suất 238 tấn chè búp tươi/ngày. Ngoài 8 dây chuyền chế biến chè đen, 12 dây chuyền chế biến chè xanh công nghiệp thuộc 3 doanh nghiệp lớn cho sản phẩm với chất lượng cao và ổn định, các cơ sở nhỏ lẻ còn lại có công nghệ lạc hậu, chắp vá cho ra sản phẩm với chất lượng thấp.
- Chế biến lâm sản: Với lợi thế về diện tích tự nhiên rộng, 2/3 là đồi núi nên nguồn nguyên liệu phục vụ lĩnh vực chế biến lâm sản dồi dào, sản phẩm chủ yếu gồm gỗ ghép thanh, đồ mộc, ván MDF, bột giấy, dăm giấy, viên nén mùn cưa và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như song mây, hàng thủ công mỹ nghệ, nhựa thông,... Tổng số doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 là 85 doanh nghiệp, trong đó có một số nhà máy quy mô lớn mới được đầu tư gần đây với công nghệ hiện đại từ Châu Âu như dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh 12.000 m3/năm và gỗ ván MDF công suất 130.000 m3/năm của Công ty CP Lâm nghiệp tháng Năm; Đang triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ MDF Anh Sơn công suất 250.000 m3/năm; Nhà máy chế biến nhựa thông Hoàng Mai, nhà máy gỗ ghép thanh và sản xuất viên nén sinh khối Anh Sơn,...
- Chế biến cao su: Có 6 doanh nghiệp trồng và chế biến sơ chế với công suất đạt 80 tấn mủ tươi/ngày (tương đương 5.450 tấn mủ khô/năm), tuy nhiên công nghệ chế biến lạc hậu nên sản phẩm chủ yếu mới ở mức độ dạng thô như: Cao su Crep xông khói, crep tấm và cao su mủ cốm. Sản lượng chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV cà phê, cao su (32 tấn mủ tươi/ngày), Công ty TNHH MTV 1-5 (20 tấn mủ tươi/ngày), Công ty TNHH MTV Sông Con (12 tấn mủ tươi/ngày), sản lượng đầu ra chất lượng thấp nên thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hoặc ủy thác.
- Chế biến thủy sản: Ngành chế biến thủy sản của tỉnh bao gồm các ngành chế biến đông lạnh, chế biến bột cá, sản xuất nước mắm, sản xuất cá hộp và chế biến hàng khô, trong đó sản phẩm nước mắm truyền thống có nhiều thương hiệu nổi tiếng có chỗ đứng trên thị trường. Đã thu hút được các dây chuyền sản xuất hiện đại được đầu tư bởi các doanh nghiệp và tập đoàn lớn như: Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan Miền Bắc tại KCN Nam Cấm chế biển các sản phẩm thủy sản như: Nước mắm, tương ớt, nước tương các nhãn hiệu Chin-su, Nam Ngư, Đệ Nhị; Nhà máy chế biến cá hộp Royal Foods Nghệ An với 2 dây chuyền sản xuất có công suất trên 100 tấn cá/ngày của tập đoàn Royal Foods Thái Lan; Nhà máy chế biến bột cá Xuri Việt Trung; Nhà máy chế biến Hải An công suất chế biến của mỗi nhà máy đạt 15 - 20 tấn bột cá/ngày. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng 14 khu chế biến thủy sản tập trung với tổng diện tích 78,83 ha tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn hoạt động ổn định.
- Chế biến thức ăn chăn nuôi: Là vùng nông nghiệp với thế mạnh là chăn nuôi, tỉnh Nghệ An đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến thức ăn gia súc có quy mô như: Nhà máy thức ăn gia súc Gà Vàng (Quỳnh Lưu); Nhà máy chế biến gia súc Con heo Vàng; Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp liên doanh với đối tác Trung Quốc đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới công suất 24.000 tấn/năm; Nhà máy thức ăn chăn nuôi Đặc khu Hope công suất 150.000 tấn/năm; Nhà máy thức ăn chăn nuôi ANCO công suất 360.000 tấn/năm; Nhà máy thức ăn chăn nuôi Austfeed 300.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Cargill (công suất 66.000 tấn/năm, với công nghệ hiện đại nhất thế giới giúp sản phẩm bảo đảm được chất lượng đồng bộ).
- Chế biến lương thực: Ngành chế biến lương thực của Nghệ An có 2 ngành chủ lực là chế biến bột mì và chế biến tinh bột sắn. Chế biến tinh bột sắn có bước tiến đáng kể, sản lượng tăng từ 36.519 tấn năm 2011 lên 50.000 tấn năm 2016 khi dây chuyền chế biến hiện đại công suất 150 tấn tính bột/ ngày được đầu tư tại Hoa Sơn, Anh Sơn. Hiện nay một số nhà đầu tư đang xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các huyện Tân Kỳ, Hạ Sơn
- Chế biến dầu ăn: Trên địa bàn có sản phẩm dầu ăn tinh luyện với thương hiệu nổi tiếng Tường An của Nhà máy dầu Vinh thuộc Công ty Dầu thực vật và hương liệu hóa mỹ phẩm Việt Nam với sản lượng 32.000 - 34.000 tấn/ năm.
II. Một số tồn tại, hạn chế
- Ngoại trừ một số tập đoàn mới đầu tư gần đây thì phần lớn cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là chế biến ở dạng thô, và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên thiếu sức cạnh tranh như: chè, đường kính, cao su, thủy sản đông lạnh,... Tổ chức sản xuất còn manh mún, đa số ở quy mô cơ sở chế biến tư nhân, sản phẩm tiêu chuẩn chất lượng đạt thấp nên uy tín và giá trị xuất khẩu thấp. Thị trường chủ yếu hiện nay là xuất khẩu sang một số nước như Trung Đông, Đông Âu và một số nước Đông Nam Á.
- Mặc dù có lợi thế về đất đai thuận lợi cho trồng trọt chăn nuôi, vùng nguyên liệu lớn, nhưng ngành chế biến NLTS chưa ổn định do chưa hình thành được nền nông nghiệp hàng hóa, sản xuất tập trung, các mô hình nông nghiệp quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao còn ít.
- Sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ nông sản còn thấp, hay chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản còn kém, số lượng các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản với nông dân còn ít, đầu ra của nông sản vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái, do đó thị trường thiếu ổn định, nguyên liệu cho chế biến NLTS cũng khó kiểm soát về cả chất lượng và khối lượng cung ứng.
- Các dịch vụ hậu cần hỗ trợ ngành chế biến NLTS còn chưa phát triển, dịch vụ đóng gói, vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế của tỉnh kém cạnh tranh về chất lượng và giá cả so với các tỉnh khác, đường giao thông tiếp cận các vùng nguyên liệu chế biến chưa được xây dựng, thủ tục giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách hỗ trợ về giao thông, điện lưới cho các dự án mới còn chậm.
III. Định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp chế biến gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp
1. Về định hướng phát triển
Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 7 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017, lĩnh vực công nghiệp chế biến NLTS tỉnh Nghệ An tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp theo các định hướng sau:
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với thị trường tiêu thụ và gắn với vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao để phát triển ổn định, bền vững; tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Lựa chọn các nhóm sản phẩm chủ lực Nghệ An có lợi thế là: Sữa chế biến, chè, đường kính, gỗ MDF, HDF, gỗ ghép thanh, gỗ mỹ nghệ, trà thảo dược, chế biến nước trái cây, chế biến rau quả để ưu tiên phát triển.
- Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, an toàn với môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; tạo được sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh thị trường; giải quyết được nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.
- Quy hoạch xây dựng một số tổ hợp công - nông nghiệp, các CCN chuyên ngành, các cụm liên kết ngành,… được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm hạn chế tối đa tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, không gian quy hoạch đặt trọng tâm ở khu vực Phủ Quỳ và một số huyện miền Tây. Phát triển các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản-lâm-thủy sản, thực phẩm theo chu trình nông nghiệp an toàn GAP, trong đó tập trung vào các vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt, heo, gia cầm; vùng sản xuất rau quả; vùng nguyên liệu cây công nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thích hợp với nông nghiệp công nghệ cao.
- Đầu tư xây dựng hạ tầng tại các vùng nguyên liệu: Đường giao thông vào vùng nguyên liệu, giao thông nội đồng, trại giống. Tổ chức phòng ngừa dịch bệnh, có hợp đồng mua bán chặt chẽ giữa nhà máy và người nông dân. Từng bước đổi mới giống, lựa chọn và đưa vào sản xuất các loại giống tiên tiến. Đẩy mạnh thâm canh để vừa tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, vừa bảo đảm chất lượng nguyên liệu. Cơ giới hoá việc thu gom nguyên liệu, tổ chức bảo quản tốt.
2. Giải pháp tập trung chỉ đạo
1. Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu:
- Xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết từng lĩnh vực công nghiệp găn với quy hoạch từng loại cây trồng, vật nuôi trên phạm vi toàn tỉnh theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với cơ sở chế biến phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước và tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
- Hình thành trên địa bàn tỉnh cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn của các doanh nghiệp, kết nối giữa khu hạt nhân của cụm (gồm trung tâm nghiên cứu khoa học công nghiệp, tài chính, thương mại, logistic) và các vệ tinh gồm các khu/cụm công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại các huyện hoặc các tỉnh lân cận.
- Quy hoạch phát triển các cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa để áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa vào sản xuất. Song song với đó là tổ chức quản lý theo tư duy mới chuyên môn hóa, tập trung hóa cao để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.
- Thực hiện rà soát lại các loại quy hoạch rừng để đảm bảo chế lâm sản trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế. Thực hiện các giải pháp kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo có trích xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, tuân thủ quy tắc xuất xứ, không sử dụng gỗ rừng tự nhiên làm ảnh hưởng đến môi trường và biến đổi khí hậu.
2. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực chế biến NLTS, thực phẩm và hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics
- Bố trí nguồn vốn và xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ; doanh nghiệp sản xuất máy cơ khí, chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp và nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ; doanh nghiệp có dự án bảo quản nông sản như sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học.
- Chú trọng thu hút các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ logistics cho nông nghiệp nói chung và phục vụ ngành chế biến NLTS nói riêng. Xây dựng và phát triển một mạng lưới dịch vụ logistics hoàn chỉnh với hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi, hệ thống giao thông kết nối tới các vùng trọng điểm của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Mạng lưới trung tâm logistics đặt gần các khu vực đầu mối giao thông và cảng biển để giảm chi phí vận tải. Hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định, công tác quản lý nhà nước về logistics minh bạch và hiệu quả; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp logistics trong và ngoài tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao với những cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đạt hiệu suất và hiệu quả dài hạn.
3. Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực công nghiệp chế biến NLTS có tiềm năng
Phát triển các ngành có thế mạnh của tỉnh như: chế biến gỗ, tre nứa; khai thác, sản xuất và chế biến dược liệu ở vùng miền núi; sản xuất và chế biến chăn nuôi (sữa, thịt, trứng) ở vùng trung du và đồng bằng; mía đường và các phụ phẩm (giấy, rượu, cồn) ở vùng trung du và miền núi; chế biến chè, cao su, cà phê ở vùng trung du,v.v. Trong mỗi lĩnh vực, cần nghiên cứu lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng để ưu tiên phát triển nhất là các sản phẩm sản xuất từ đường, chế biến chè, chế biến sữa, chế biến lâm sản, chế biến nước hoa quả bằng nhiều loại hình công nghệ khác nhau để đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
4. Ứng dụng một số công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến NLTS
Để có thể khai thác tối đa tiềm năng các nông sản trên địa bàn tỉnh, cần nhanh chóng khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất đầu tư, ứng dụng KHCN đồng bộ trong tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, từ đầu vào, sản xuất, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, đến phân phối tiêu dùng v.v:
- Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chip cảm biến để tự động hóa quy trình sản xuất; mô hình nhà màng, nhà lưới có gắn các cảm biến và các hệ thống phun nước, tiếp thuốc tự động…; Công nghệ sinh học phân tử, di truyền học và lai tạo để tạo ra các nguồn gen cho năng suất cao,…;
- Ứng dụng công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch nhất là công nghệ bảo quản theo chuỗi cung ứng lạnh. Sử dụng công nghệ trong giao nhận vận tải hàng hóa nông sản nhờ phát triển hệ thống internet và thương mại điện tử.
5. Hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư
Bổ sung, sửa đổi và ban hành các chính sách ưu tiên đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến sử dụng sản phẩm từ nông nghiệp và chính sách phát triển cây con, hạ tầng logistics, các chính sách về thuê đất, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa,... trên địa bàn tỉnh đồng bộ. Quy định trách nhiệm của các ngành, địa phương trong quản lý, đầu tư phát triển để đảm bảo việc đầu tư trở thành động lực phát triển công nghiệp chế biến NLTS.
6. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến NLTS
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm cho nông dân, nhất là đối với nông dân trong vùng dự án hoặc có đất chuyển đổi mục đích, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch để tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất với các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn. Ưu tiên hỗ trợ các chương trình kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu, sát với thực tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật theo đặt hàng của doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp chế biến NLTS.
SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH NGHỆ AN