RCEP mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Hà Tĩnh
Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 29/4/2022 về thực hiện Hiệp định RCEP trên địa bàn. Trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về RCEP, công tác xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Sáng 13/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đại diện lãnh đạo Sở Công thương điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương đã giới thiệu tổng quan về RCEP, kế hoạch thực hiện hiệp định thời gian tới. Theo đó, RCEP là một hiệp định nhằm mở rộng sự gắn kết giữa ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Mục tiêu của RCEP là thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi. RCEP sẽ tạo nên một thị trường tiêu dùng lớn với khoảng 30% dân số thế giới. Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế. Đến cuối lộ trình (sau 15 - 20 năm), Việt Nam sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% - 89,6% tổng số dòng thuế đối với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ cho Việt Nam khoảng 90,7% - 92% tổng số dòng thuế.
Việc thực hiện RCEP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy đối với nhà đầu tư quốc tế. RCEP cũng sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Đồng thời, giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, may mặc... vào thị trường các nước thành viên do quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa sẽ giảm thời gian, chi phí.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu do RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối.
Các chuyên gia, đại biểu, đại diện doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng tập trung tham luận, thảo luận một số nội dung như: Tận dụng cơ hội từ RCEP để thúc đẩy đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu; phương hướng thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường khu vực RCEP; thủ tục quản lý xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới – giải pháp hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang các thị trường khu vực RCEP...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, RCEP sẽ tạo thành khu vực thương mại tự do lớn, là cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Tuy nhiên, RCEP cũng mang tới nhiều sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương sớm hoàn thành và ban hành kế hoạch thực hiện RCEP; tiếp tục phổ biến, tuyên truyền về hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi và xây dựng chương trình hỗ trợ, đào tạo, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng tại hội nghị, ngài Gareth Ward - Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam đã trao biên bản bàn giao Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR) cho Bộ trưởng Bộ Công thương.
VNTR là bộ phận cấu thành được liên kết với cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR) https://atr.asean.org/. VNTR sẽ là cổng thông tin trực tuyến, miễn phí và cung cấp các thông tin thương mại cập nhật bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 29/4/2022 về thực hiện RCEP trên địa bàn. Trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về RCEP, công tác xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, các thành viên RCEP trước đây phần lớn đã có các hiệp định song phương và đa phương riêng với Việt Nam do đó, hiện nay việc tận dụng RCEP của doanh nghiệp Hà Tĩnh còn hạn chế. Chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn tiếp cận để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo ưu đãi của RCEP.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Hà Tĩnh cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện RCEP trên địa bàn Hà Tĩnh.
Sở Công thương chủ trì, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, tiếp cận các nội dung các cam kết của hiệp định, nhất là đối với cam kết về thuế và lộ trình cắt giảm, thủ tục xuất nhập khẩu. Phối hợp với các cơ quan thương vụ và trung tâm xúc tiến thương mại ở nước ngoài đẩy mạnh phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ để giúp đỡ doanh nghiệp có thể tranh thủ khai thác các thị trường của RCEP.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cần phát huy vai trò, thông tin rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp về nội dung của RCEP, là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện hiệp định trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các nội dung của RCEP nói riêng và các FTA mà Việt Nam tham gia nói chung, hướng tới việc hoàn thiện kỹ thuật, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của từng thị trường.
Theo "Báo Hà Tĩnh".