THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG GÓP PHẦN THỰC HIỆN MỤC TIÊU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA, PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023, mục tiêu của Đề án “thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao”.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đó là kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Đối với ngành năng lượng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và đi trước một bước so với phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài và đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trong nước; xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại. Đa dạng hoá các loại hình năng lượng. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, bền vững đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN…
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng được ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài. Tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực…
Với Hà Tĩnh, trong những năm qua ngành Công Thương đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã chỉ rõ, ngoài kết quả đã đạt được cũng còn những hạn chế, nguyên nhân trong đó: chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa vững chắc, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phát triển thiếu bền vững, chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương; liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thiếu chặt chẽ. Chưa tạo được chuyển biến căn bản về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng trưởng công nghiệp chủ yếu dựa vào sản xuất thép. Khu Kinh tế Vũng Áng chưa thu hút được nhiều các dự án công nghiệp hỗ trợ; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn; tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển…
Để triển khai thực có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ Đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022; các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kết quả hoạt động ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và các văn bản triển khai Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ; Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2030, trong đó:
Mục tiêu đến năm 2030: giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 6-8%/năm. Giá trị tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 10-12%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đến năm 2030 đạt khoảng 60,3%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2030 là 32,6%. Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1-1,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 2,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 7%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn đạt trên 6,5 tỷ USD. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển, cửa khẩu (gồm xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển nội địa và quá cảnh) trên địa bàn đạt trên 107 triệu tấn. Xuất khẩu các nhóm mặt hàng ngoài thép chiếm tỷ trọng trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 4,0 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2025-2030 đạt từ 8 - 9%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn đạt trên 9 tỷ USD. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển, cửa khẩu (gồm xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển nội địa và quá cảnh) trên địa bàn đạt trên 120 triệu tấn. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% và tiết kiệm năng lượng đạt mức 7% so với kịch bản phát triển bình thường.
Nhà máy sản xuất Pin VinES hoàn tất khâu lắp đặt máy móc, thiết bị để vận hành
Các nhiệm vụ trong tâm cũng được xác định rõ trên các lĩnh vực: công nghiệp, năng lượng và thương mại, hội nhập quốc tế.
Trên lĩnh vực công nghiệp: đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư hạ tầng các KCN, CCN; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN trên địa bàn; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn, tạo quỹ đất phát triển CN-TTCN. Triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách phát triển CN-TTCN đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thông qua. Chú trọng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế trên địa bàn, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có lợi thế xuất khẩu, ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp môi trường, ngành công nghiệp khai khoáng - vật liệu xây dựng và công nghiệp hỗ trợ.
Trên lĩnh vực năng lượng: ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Sử dụng tối ưu, tiết kiệm các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia. Tìm kiếm, phát triển các loại năng lượng sạch mới, năng lượng tái tạo để đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt mục tiêu đề ra. Từng bước hình thành hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp theo quy định. Duy trì các nhà máy điện hiện có; hoàn thành nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II bằng công nghệ điện than; nghiên cứu triển khai xây dựng các dự án phát triển nguồn và lưới điện điện đồng bộ giữa Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, trong đó ưu tiên các dự án điện khí, điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối, phát điện sử dụng chất thải rắn ở những nơi có điều kiện.
Hoạt động xuất khẩu, hội nhập quốc tế: đề xuất tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Đề án Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cả về số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo bền vững. Tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa các mặt hàng, thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, đưa Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng mục tiêu phát triển thương mại, xuất khẩu của vùng Bắc Trung bộ; tập trung phát triển trung tâm logistics và cảng biển tại Khu kinh tế Vũng Áng, các trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và huyện Đức Thọ. Phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, có năng lực cạnh tranh cao; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp logistics gắn với xuất khẩu theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Về thị trường trong nước: tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, chú trọng phát triển thương mại điện tử trở thành kênh phân phối, tiêu dùng hàng hóa quan trọng đối với doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của Tỉnh. Liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương; thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ hàng Việt. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại như chợ; phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, nhất là các loại hình phân phối hiện đại ở vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp…
Các nhiệm vụ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 nếu được triển khai một cách đồng bộ là điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.
Ông Trương Văn Dương -CVP