Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2020
File đính kèm:
2020_12_15_2020-439--bc-cong-tac-bvmt-nam-2020-zvdv0.pdf
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Kế hoạch số 481/KH-HĐND ngày 06/11/2020 của HĐND tỉnh về việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVII; ngày 27 tháng 11 năm 2020, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 439/BC-UBND về Công tác Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể:
1. Đánh giá kết quả đạt được
Nhìn chung trong những năm gần đây, công tác BVMT ngày càng được coi trọng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều thống nhất quan điểm chỉ đạo không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Nhận thức, ý thức BVMT của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Quá trình thẩm định chủ trương đầu tư các dự án luôn coi trọng đến phương án bảo vệ môi trường được xây dựng trong Dự án. Mạng lưới các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường được phát triển, mở rộng góp phần đáng kể trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Bộ máy quản lý nhà nước trên lĩnh vực BVMT từng bước được hoàn thiện. Các dự án lớn đặc biệt là dự án Formosa được giám sát chặt chẽ, các cơ sở có quy mô xả thải lớn đã hoàn thành việc kết nối hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát, giám sát. Qua đó, đã góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn, giữ cân bằng sinh thái, bảo đảm chất lượng môi trường sống và sức khỏe của người dân, cộng đồng.
2. Tồn tại, hạn chế
- Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở một số địa phương, một số lĩnh vực còn yếu; Hồ sơ kế hoạch BVMT nhất là hồ sơ môi trường cấp huyện từ các năm qua chất lượng không cao gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát; Số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh được xác nhận hoàn thành công trình BVMT còn ít (số đơn vị được xác nhận hoàn thành là 19 đơn vị trên toàn tỉnh; số đơn vị được kiểm tra vận hành thử nghiệm năm 2020 là 05 đơn vị).
- Quy hoạch xử lý chất thải rắn khu vực đô thị và nông thôn chưa được soát xét đồng bộ; chưa gắn với đề án thu gom, vận chuyển, xử lý toàn tỉnh để hình thành được các khu xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Việc triển khai thực hiện quy hoạch và các phương án xử lý rác thải bằng lò đốt tại một số địa phương triển khai còn chậm, khó khăn (Thạch Hà, Vũ Quang, Hương Khê...).
- Các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hầu hết các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa còn chung với nước thải sinh hoạt (mới chỉ có thị xã Hồng Lĩnh đầu tư hệ thống thu gom, hồ điều hòa để xử lý nước thải đô thị).
- Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa ưu tiên đầu tư cho công tác BVMT hoặc có đầu tư công trình BVMT nhưng không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình, hoạt động mang tính chất đối phó; vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện chế độ quan trắc môi trường định kỳ hoặc có quan trắc nhưng chậm gửi hoặc không gửi kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
- Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nhất là các trang trại nuôi lợn tập trung đang diễn ra nhiều nơi, việc chăn nuôi quy mô nông hộ trong khu dân cư đang là vấn đề, ảnh hưởng đến nguồn nước, dân cư xung quanh nhưng giải pháp xử lý hiệu quả chưa cao; Tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước đang diễn ra khá phổ biến, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản có lưu lượng xả thải lớn, sau tái sử dụng nước ao nuôi qua ao lắng rồi xả thẳng ra sông, biển.
3. Nguyên nhân
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương trên lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực có liên quan ban hành chưa đồng bộ, thiếu kịp thời gây khó khăn cho công tác quản lý. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT từ tỉnh xuống huyện, xã còn mỏng về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phương tiện, trang thiết bị quan trắc môi trường chưa đảm bảo.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về BVMT có thực hiện nhưng chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao, nhiều nội dung chậm đi vào cuộc sống; Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa chấp hành các quy định về môi trường; Việc chấp hành pháp luật về BVMT của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc.
- Sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao đặc biệt là trong quá trình xây dựng quy hoạch, trong thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý.
- Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và các địa phương còn thiếu chủ động, đặc biệt kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo hồ sơ môi trường chưa triển khai được nhiều; nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chủ yếu là giải quyết các vụ việc phát sinh; việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm; việc phúc tra hậu kiểm chưa quan tâm được nhiều.
- Ngân sách đầu tư cho công tác BVMT còn hạn chế, mới tập trung cho công tác tuyên tuyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các chiến dịch truyền thông, quan trắc mạng lưới; việc xử lý các điểm tồn lưu hoá chất BVTV từ chiến tranh để lại mới chỉ đầu tư xử lý đối với một số điểm cấp bách, nhiều điểm qua điều tra đã xác định hàm lượng tồn lưu thuốc BVTV cao nhưng chưa được đầu tư kinh phí để xử lý dứt điểm. Nhiều nội dung về bảo vệ môi trường chậm/chưa được bố trí kinh phí đầu tư như việc xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung cho các Khu, Cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị.
4. Giải pháp khắc phục
- Tiếp tục tổ chức tập huấn các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường các cấp; doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể.
- Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ở các KCN, CCN, làng nghề. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Vũng Áng 1 và tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 2 KCN (KCN Gia Lách và KCN Đại Kim) đã đi vào hoạt động.
- Khuyến khích đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn đặc biệt là dự án tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế trong tỉnh nhất là khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, KCN Hạ Vàng- Can Lộc, KCN Gia Lách- Nghi Xuân, các khu du lịch, khu đô thị thương mại.
- Phê duyệt và triển khai Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025 và những năm tiếp theo đảm bảo hình thành được các khu xử lý tập trung với công nghệ hiện đại, đảm bảo yếu tố môi trường, tiến tới loại bỏ dần các khu xử lý rác thải với công nghệ lạc hậu như hiện nay.
- Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung với quy hoạch nguồn nước và các quy hoạch có liên quan để tích hợp đồng bộ quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành ở địa phương theo quy định; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường đối với một số dự án chăn nuôi có quy mô lớn, đặc biệt chú trọng kiểm tra giám sát việc xử lý nước thải, chất thải rắn tại các dự án này. Từng bước chuyển dịch chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư sang chăn nuôi tập trung.
(Nội dung chi tiết được báo cáo cụ thể kèm theo)
Đức Hà