Kết luận của Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X năm 2024
Ngày 17/5/2024, tại thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đồng chủ trì, chỉ đạo Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2023 và ước 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tháng cuối năm 2024; ý kiến tham luận của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, Lãnh đạo các Sở Công Thương, doanh nghiệp trong khu vực; ý kiến phát biểu của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đồng chí Thứ trưởng đã kết luận như sau:
1. Bộ Công Thương biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 và ước 6 tháng đầu năm 2024. Một số kết quả nổi bật là:
- Năm 2023, có 19/28 tỉnh, thành phố trong Khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 1,5%). Ước 06 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp có 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong Khu vực năm 2023 đạt 2.602 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 41,8% của cả nước, tăng 16,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 9,6%). Có 26/28 địa phương tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước; 13/28 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn vùng. Ước 06 tháng đầu năm 2024, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong Khu vực ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Hàng hóa trong nước luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
- Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố trong Khu vực đạt 221,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2022, cao hơn mức giảm 4,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ước 06 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố trong Khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế chủ yếu như:
- Chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm. Hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, phụ liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, dẫn đến sản xuất còn bị động, chi phí cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, các ngành thâm dụng lao động còn nhiều, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
- Một số địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh nên triển khai các quy hoạch quốc gia thuộc lĩnh vực ngành còn hạn chế. Công tác đầu tư các công trình điện còn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ, bên cạnh đó diễn biến thời tiết luôn bất thường. Hạ tầng thương mại được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đặc biệt ở các tỉnh còn khó khăn. Mô hình tổ chức bộ máy của các Sở chưa có sự thống nhất, một số đơn vị trực thuộc Sở Công Thương đang sáp nhập về đơn vị khác trong tỉnh, thành phố; chức năng, nhiệm vụ, tên gọi các phòng, đơn vị trực thuộc cũng khác nhau, biên chế của các Sở Công Thương đều phải thực hiện tinh giản hàng năm, khối lượng công việc ngày càng nhiều. Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực hiện việc luân chuyển, điều động, các vị trí công tác trong các phòng, ban cũng thay đổi định kỳ dẫn đến cán bộ có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực ngành còn thiếu và hạn chế, khó cho việc triển khai các nhiệm vụ ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
2. Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Bộ Công Thương nhất trí nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo. Đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:
Một là, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ, Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tiếp tục rà soát, đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản…để đảm bảo tính đồng bộ tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương.
Hai là, tăng cường thực hiện nghiêm ngặt công tác an toàn lao động trong sản xuất, lưu thông, phòng chống cháy nổ trong ngành Công Thương, thường xuyên giám sát kiểm tra tại địa bàn, cơ sở nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố mất an toàn, cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ngành từng bước thiết lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thúc đẩy hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan quản lý địa phương, cũng như doanh nghiệp trong phát triển thương mại điện tử. Chú trọng chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu suất lao động toàn ngành. Quyết liệt đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… trên kênh truyền thống và kênh thương mại điện tử. Rà soát, sắp xếp lại, cố gắng tạo điều kiện để thương hiệu Việt khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt, đạt được mục tiêu của hội nhập.
Bốn là, chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu. Giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung. Tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), triển khai hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Chuyển mạnh và dứt điểm từ tiểu ngạch sang chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt.
Năm là, khẩn trương tập hợp kiến nghị đề xuất từ các doanh nghiệp, người sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện hữu. Đồng thời, đề xuất để đưa ra các cơ chế chính sách tạo đột phá, giải phóng nguồn lực trong xã hội, giải phóng nguồn lực các địa phương. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nội địa, hình thành phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và theo hướng bền vững.
Sáu là, trong bối cảnh thực hiện công tác cải cách thủ tục và công khai minh bạch nền hành chính, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với mục tiêu hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đề nghị Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện bổ sung nguồn lực cho Sở Công Thương qua đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
3. Thống nhất về việc giao Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đăng cai, phối hợp với Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025 tại tỉnh Hà Giang.
Đức Hà