Hà Tĩnh hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ và xanh
Với mức tăng trưởng cao, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang đóng vai trò dẫn dắt, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
Bật dậy từ công nghiệp nặng
Sự ra đời của nhiều công trình, dự án lớn đã hình thành dáng dấp của một trung tâm công nghiệp ở miền Trung, mà Hà Tĩnh đang đóng vai trò là cực tăng trưởng cao của cả nước. Hội thảo: “Kết nối doanh nghiệp đầu tư, cung cấp, sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép” diễn ra trong hai ngày (19 - 20/3) tại TX Kỳ Anh với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là các lãnh đạo Trung ương và địa phương cùng với trên 200 doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước về tham dự.
Với kỳ vọng sự kiện sẽ là dịp để Hà Tĩnh kết nối các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, vật liệu, vật tư, thiết bị cho công nghiệp sản xuất gang, thép; giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, vật liệu, vật tư, thiết bị cho công nghiệp sản xuất gang, thép… Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm mục đích giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cung cấp cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguyên liệu gang, thép; các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ sản phẩm gang, thép trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, trong những tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng trên 45% so cùng kỳ trước đó. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực có mức tăng trưởng cao, có vai trò dẫn dắt và đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng chung của toàn ngành; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng qua đạt 465,52 triệu USD, mà “đầu tàu” trong lĩnh vực xuất khẩu là Formosa Hà Tĩnh vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh. Sản lượng thép, phôi thép xuất khẩu trong 2 tháng qua mang về giá trị đạt gần 149,55 triệu USD.
Cú hích cho công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, Vũng Áng được đánh giá là một trong những khu kinh tế (KKT) dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, với gần 160 dự án được cấp phép, trong đó có 77 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp (49 dự án trong nước và 28 dự án nước ngoài). Thời điểm này, dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS Hà Tĩnh) đã hoàn thành giai đoạn 1, tổng mức đầu tư trên 11,5 tỷ USD với các sản phẩm chính là sắt, thép khoảng 7 triệu tấn/năm và sản phẩm phụ trợ như than cốc, hắc ín, xỉ lò cao, dầu thô nhẹ,... Tổng công suất của dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư lên đến 15 triệu tấn thép/năm, nếu được đầu tư theo đúng lộ trình sẽ là dự án gang thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đáp ứng nhu cầu về gang thép cho sự nghiệp công nghệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020, xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vũng Áng sẽ trở thành trung tâm điện lực nhiệt điện tại miền Trung với năm nhà máy, tổng công suất 6.100 MW. Theo đánh giá của các chuyên gia, các dự án nhiệt điện đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường. Chỉ tính riêng số lượng tro, xỉ thải ra hằng năm của Nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200 MW và hai tổ máy 300 MW của FHS Hà Tĩnh đã lên đến hơn 1,3 triệu tấn/năm; nồng độ bụi phát sinh cực đại 209,4 mg/Nm3; chất thải nguy hại 118,8 tấn/năm; nước thải công nghiệp 5.565,4 m3/ngày đêm. Ðó là chưa tính đến chất khí thải ra không khí. Do đó, cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng khả năng chịu tải của môi trường tại KKT Vũng Áng và vùng phụ cận. Đây cũng chính là lý do để Hà Tĩnh nhận thấy cần thiết cho việc xúc tiến đầu tư về lĩnh vực sau thép về với địa phương.
Trao đổi với Phóng viên báo Đầu Tư, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng cho biết: Trên cơ sở nhìn nhận một cách thấu đáo thực trạng phát triển một số ngành công nghiệp như thép, nhiệt điện,... Hà Tĩnh đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo sự cân bằng trong phát triển, trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, lựa chọn những dự án có công nghệ tiên tiến, chuyển đổi các dự án nhiệt điện than sang điện khí và năng lượng tái tạo bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn môi trường, an sinh xã hội.
Trên cơ sở rà soát hiện trạng hạ tầng các khu công nghiệp, tiếp tục ban hành, xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo nguồn lực đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng nhấn mạnh: Song song với việc xây dựng các giải pháp về thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, UBND tỉnh sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm phát triển sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh theo hướng bền vững, hiện đại…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh, Hội thảo lần này được xem là hội nghị thu hút đầu tư đầu tiên vào năm 2019 của địa phương. Đồng thời, là dịp giới thiệu tiềm năng, lợi thế; định hướng quy hoạch; cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh; thông tin quỹ đất công nghiệp thu hút đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh; Giới thiệu về dự án khu liên hợp gang thép Formosa, nhu cầu về nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gang thép và các sản phẩm gang thép và khả năng cung ứng FHS Hà Tĩnh với các đối tác trong và ngoài nước.
Chia sẻ về thiện chí của địa phương, ông Lê Đình Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói: Với phương châm “đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp”, Hà Tĩnh chọn giải pháp có tính đột phá là cải thiện môi trường đầu tư, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch giữa các cơ quan chức năng, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Đến nay Hà Tĩnh đã thu hút đầu tư trên 1.000 dự án, trong đó sự “góp mặt” của các nhà đầu tư nước ngoài như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Singapore, Hồng Kông… cùng với các Tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, FLC, Sun Group, Nguyễn Hoàng, T&T… đang là những nhà đầu tư mang đến sự khởi sắc cho nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh cũng là một địa phương “sở hữu” tới 2 Khu kinh tế trọng điểm của cả nước được ưu tiên đầu tư: Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, có diện tích tự nhiên 22.781 ha, với các ngành có ý nghĩa chiến lược và quy mô lớn nhất cả nước; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia đã được quy hoạch các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu đô thị với môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những định hướng điều chỉnh lớn là tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhằm phát huy tối đa hiệu quả và khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh.
BOX: Năm 2018, Hà Tĩnh quyết định chủ trương đầu tư 108 dự án với tổng nguồn vốn đăng ký đạt 6.920,2 tỷ đồng. Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là lĩnh vực tăng trưởng ở mức cao nhất từ trước tới nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 88,98% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 44.700,59 tỷ đồng; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2018 đạt 3,25 tỷ USD.
Việt Hương