Vướng mắc, chồng chéo trong thực hiện pháp luật lĩnh vực công thương và một số kiến nghị đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc
File đính kèm:
2022_10_05_cv-kien-nghi-cac-vuong-mac12-7rsdd.pdf 2022_10_05_gui-so-khdt-kien-nghi-de-xuat-thuoc-tham-quyen-giai-quyet-cua-trung-uong02-dl4rb.pdf 2022_10_05_gui-so-khdt-kien-nghi-sua-doi-cac-quy-dinh-gay-vuong-mac-linh-vuc-cong-thuong-bh06-cw3wi.pdf 2022_10_05_gui-so-tn-mt-kien-nghi-sua-doi-luat-dat-dai08-o5cyp.pdf
1. Một số khó khăn, vướng mắc
- Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, tại khoản 1, mục IV giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công nghiệp hỗ trợ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về đầu tư, thuế, phù hợp với các quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên đến nay Nghị định số 111/2015/NĐ-CP chưa được sửa đổi, bổ sung.
- Tại khoản 2 Điều 42 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, quy định thủ tục cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN đối với các tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp lại giấy phép nhưng không thay đổi về địa điểm, quy mô hoạt động, hồ sơ đề nghị bao gồm: báo cáo hoạt động sử dụng VLNCN trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp và toàn bộ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật làm tăng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp vì phải nộp lại toàn bộ các hồ sơ, tài liệu liên quan như thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép.
- Về cơ chế giá bán điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực; tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản thay thế đã ảnh hưởng đến một số dự án điện mặt trời theo quy hoạch và đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà.
- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP bộc lộ nhiều hạn chế, không phù hợp với thực tiễn phát triển. Những quy định về khái niệm chợ, phân hạng chợ, quy hoạch phát triển chợ, đầu tư xây dựng chợ, bố trí các công trình trong phạm vi chợ, kinh doanh khai thác và quản lý chợ, nội quy chợ, quản lý điểm kinh doanh tại chợ, hoạt động kinh doanh tại chợ, xã hội hóa đầu tư chợ và các quy định khác có liên quan thiếu cụ thể; cũng tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, quy định chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng thực hiện giao hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; 02 quy định này chưa thống nhất đối với quản lý, khai thác chợ; cần được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tế phát triển.
- Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 13/8/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban quản lý chợ đã ban hành từ năm 2003, áp dụng đối với các ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện, quản lý các chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng. Thực tế, đa phần các chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ hoặc xã hội hóa đầu tư xây dựng sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, khai thác nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 06/2003/TT-BTM.
- Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về quy chế siêu thị, trung tâm thương mại ban hành từ năm 2004, nhưng chưa được nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế các loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ tại các địa phương.
- Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, đã được thay thế bởi Quyết định số 1214/QĐ-BCT ngày 22/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; tuy nhiên, chỉ quy định đối với hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp tại khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại tại khu vực đô thị và các loại hình khác tại khu vực nông thôn chưa quy định cụ thể.
- Khó khăn, tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
+ Đối tượng giáo dục pháp luật đa dạng về thành phần, tầng lớp, trình độ, nhận thức; tuy nhiên hình thức phổ biến giáo dục pháp luật vẫn chưa được đổi mới, hiệu quả chưa cao, chưa có tính lan tỏa sâu rộng.
+ Kinh phí cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm thường được bố trí vào đầu năm, nên những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau thời điểm UBND tỉnh phân bổ kinh phí, thì rất khó bố trí kinh phí thực hiện.
2. Kiến nghị, đề xuất
Kiến nghị Chính phủ
- Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP; trong đó chú trọng quy định về khái niệm chợ, phương án phát triển, quản lý đầu tư xây dựng; quy định đối với các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và thống nhất các quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
- Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo hướng giảm bớt các giấy tờ, hồ sơ đối với trường hợp đề nghị cấp lại Giấy phép sử dụng VLNCN.
- Sửa đổi một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo hướng các địa phương chỉ xây dựng 01 Kế hoạch để hạn chế thủ tục hành chính, thuận lợi triển khai thực hiện, vì theo quy định pháp luật hiện hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần phải xây dựng 03 Kế hoạch: (1) kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa cấp tỉnh theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại; (2) kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh theo Quyết định số 04/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ; (3) Kế hoạch ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc môi trường theo Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự và Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP.
- Quy định cơ chế giá bán điện mặt trời mới và các quy định, quy chuẩn liên quan đầu tư phát triển đến điện mặt trời để tạo thuận lợi cho việc đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời của các doanh nghiệp nhằm khai thác hiệu quả năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Kiến nghị Bộ Công Thương
- Có văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 để các địa phương tổ chức thực hiện.
- Tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án điện mặt trời nhằm đưa ra giá điện cạnh tranh; tạo ra sự minh bạch, rõ ràng, công bằng đối với các nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án. Tham mưu Chính phủ có chính sách về giá điện mặt trời mái nhà đối với các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp lắp đặt trên máy nhà, công sở, nhà xưởng để tự dùng và bán phần thừa cho Nhà nước.
- Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế liên quan đến quản lý, khai thác chợ, trong đó tập trung các nội dung sau: (1) Thống nhất quy định rõ chợ là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và chợ nông thôn thuộc danh mục ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn. (2) Việc khai thác, quản lý chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư thực hiện theo pháp luật đấu giá tài sản hay pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư. Nếu thực hiện theo pháp luật đấu giá tài sản, đối với tài sản gắn liền với đất phải quy định rõ trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
- Phối hợp Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh phân cấp công trình đường dây và trạm biến áp, trong đó quy định công trình cấp IV có cấp điện áp dưới 01kV. Quy định về phân cấp công trình xây dựng và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng: theo quy định tại mục 1.2.5.11 của Thông tư thì "công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp >35kV÷110kV là công trình cấp III". Việc quy định như vậy không phù hợp với thực tiễn (thực tế hệ thống điện Việt Nam không tồn tại cấp điện áp này), do vậy, quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý, theo dõi sự phù hợp của các công trình điện lực so với quy hoạch theo quy định của Luật Điện lực năm 2004.
- Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển công trình điện vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hướng đơn giản hóa các bước thực hiện và giao cơ quan quản lý nhà nước về tài chính chủ trì thực hiện.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức thực hiện nội dung phương án tích hợp Quy hoạch phát triển điện lực vào Quy hoạch chung của tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017.
- Thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM, Thông tư số 06/2003/TT-BTM; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành quy định về hệ thống hạ tầng thương mại, cơ sở phân phối khác ngoài chợ (trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại dịch vụ,...) ở khu vực nông thôn và thành thị./.
Võ Hữu Nam, TT Sở Công Thương