Chuyển đổi số trong lĩnh vực Công Thương và một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong thời gian tới
File đính kèm:
2024_09_27_thong-bao-kl-giao-ban-dang-uy-thang-10-kqy3r.pdf
Xác định chuyển đổi số là một trong những bước đi quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số; triển khai các chủ trương lớn của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân, đơn vị đạt giải cuộc thi trực tuyến về Thương mại điện tử và chuyển đổi số
Trước hết, ban hành văn bản triển khai các chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh, Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh, Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” của UBND tỉnh; Sở Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động Ban chỉ đạo chuyển đổi số Sở Công Thương.
Thứ hai, chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Công Thương đạt 99,83%. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lĩnh vực thương mại phục vụ chỉ đạo điều hành và minh bạch thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu của doanh nghiệp, người dân.
Thứ ba, tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số và thương mại điện tử, trong năm 2023 Sở Công Thương đã tổ chức cuộc thi trực tuyến về thương mại điện tử và chuyển đổi số với 31.744 lượt bài tham gia thi và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương. Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tổ chức 04 hội nghị phổ biến pháp luật về thương mại điện tử cho hơn 1.000 đối tượng là cán bộ, công chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài phát thành và Truyền hình tỉnh xây dựng, phát sóng nhiều chuyên đề về thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Tổ chức các đợt tập huấn kỹ năng ứng dụng ứng dụng thực tiễn (quảng cáo trên facebook; Google; Livestream; Tiktok;…); vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện tử tại các huyện như Vũ Quang, Hương Sơn, Lộc Hà. Phối hợp các sàn thương mại điện tử Postmart và cơ sở sản xuất kinh doanh thực hành livestream khi vào các mùa vụ nông sản như bưởi Phúc Trạch, Cam Hà Tĩnh.
Thứ tư, tổ chức triễn lãm trực tuyến sản phẩm chủ lực tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 với hơn 50 sản phẩm trưng bày trên nền tảng 2D và 15 sản phẩm triển lãm 3D thực tế ảo. Đồng thời xây dựng gian hàng, đăng tải, quảng bá tất cả các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên sàn thương mại điện tử tỉnh.
Đến nay, sàn thương mại điện tử hatiplaza.com do Sở Công Thương vận hành có 539 gian hàng với hơn 682 sản phẩm gồm sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, số lượt truy cập mỗi tháng đạt khoảng 15.000-18.000 lượt. Bên cạnh đó, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở xây dựng thương hiệu, bán hàng trên sàn thương mại điện tử lớn như shopee, lazada, posmart và trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok.
Toàn tỉnh có trên 200 website thương mại điện tử bán hàng; hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương nhân tại chợ truyền thồng đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng Qrcode để quyét mã thanh toán. Về ngành điện đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 81,93%/86,34% kế hoạch. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu kênh thương mại điện tử và dịch vụ thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh 07 tháng đầu năm đạt 206,55 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực Công Thương còn gặp một số khó khăn nhất định. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành chưa được thực hiện kịp thời, đồng bộ. Hoạt động thương mại điện tử chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính; tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các nền tảng số làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Chi phí dịch vụ logistics gắn với thương mại điện tử, đặc biệt là chi phí vận chuyển từ cơ sở sản xuất vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đến nhà phân phối còn ở mức cao. Việc thay đổi thói quen, tập quán từ phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống sang công nghệ số còn khó khăn do nguồn lực hạn chế, nhất là tại cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa…
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm và tập trung một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Xây dựng Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2026-2030.
Hai là, tập trung cập nhật, số hóa bộ cơ sở dữ liệu lĩnh vực ngành phục vụ điều hành quản lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Sở Công Thương. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực Công Thương, niêm yết mã Qrcode link tới trang thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương. Tuyên truyền, phát động cán bộ công chức, người dân doanh nghiệp hưởng ứng các sự kiện như Ngày chuyển đổi số quốc gia, Tháng tiêu dùng số và Tuần lễ thương mại điện tử.
Ba là, tổ chức thực hiện giải pháp tuyên truyền, phổ biến quy định về thương mại điện tử để các cơ sở trên địa bàn kinh doanh trên thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng thờihỗ trợ cơ sở tiếp cận, thực hành các kỹ năng bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Quý III và IV năm 2024 tổ chức lớp tập huấn kỹ năng livestream bán hàng trên nền tảng Tiktok; xây dựng video chuyên đề trên Báo Hà Tĩnh chủ đề “an toàn mua sắm trong thương mại điện tử và thanh toán ko dùng tiền mặt”.
Bốn là, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số. Bênh cạnh việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh trên các nền tảng thương mại điện tử, Kế hoạch quý III và IV năm 2024, Sở Công Thương sẽ tổ chức triển lãm trực tuyến sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chủ lực Hà Tĩnh năm 2024, quy mô dự kiến có hơn 40 showroom trực tuyến gồm 60 sản phẩm 2D và 30 sản phẩm 3D/thực tế ảo, sử dụng AI để giới thiệu về sản phẩm.
Năm là, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 06/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Tổ chức, tham gia các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Cùng với sự và cuộc của các địa phương và nỗ lực của các doanh nghiệp, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp trong thực hiện chuyển đổi số của Sở Công Thương sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Đặng Văn Thành - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương.







