Công nghiệp Hà Tĩnh tăng 16,56%
Nhờ những biện pháp đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền đến doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, ngành công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh vẫn duy trì đà tăng trưởng cao.
Xây dựng quy trình sản xuất phù hợp
Ứng phó với dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đã linh hoạt mô hình vừa sản xuất vừa chống dịch an toàn, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, biến nguy thành cơ để duy trì ổn định chuỗi sản xuất, cùng với nỗ lực tiêm phủ vaccine, doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất quý IV sẽ khởi sắc hơn.
Đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cho hay, trong 9 tháng qua đơn vị đã có kinh nghiệm hơn từ các đợt dịch trước, nên đã chủ động hơn trong các dây chuyền sản xuất khép kín để vừa sản xuất vừa phòng dịch.
Với đặc thù là doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động, nên đơn vị đã lên kế hoạch ứng phó với các tình huống ở những cấp độ khác nhau, FHS đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho 10.500 lao động.
Nhờ đó, FHS tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm, đã sản xuất ước đạt 3,978 triệu tấn, tăng 27,3%. Từ đầu năm, nhu cầu và giá thép liên tục tăng cao (từ 30-40%) tạo động lực để Formosa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Với những đóng góp quan trọng đó, Fomosa đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp.
Hay tại các DN có số lượng lao động lớn như, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt và một số DN trong Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng cũng đang tập trung cao nhất thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tổ chức sản xuất hiệu quả.
Công ty May mặc xuất khẩu Appatech Hàn Quốc hiện có 1.360 công nhân làm việc thường xuyên. Lao động chủ yếu đến từ các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc... Với số lượng công nhân đông, làm việc trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên những thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác truy vết đối tượng luôn được các công ty cập nhật thường xuyên. Đơn vị chủ động giãn cách lao động trong quá trình sản xuất; sắp xếp việc ăn, nghỉ và giờ tan làm lệch thời gian. Lãnh đạo DN quán triệt nghiêm các uy tắc phòng chống dịch trong sản xuất trong và ngoài nhà xưởng một cách khoa học bài bài bản.
Các DN cũng xác định chỉ khi nào công tác phòng dịch được tốt thì mới duy trì được hoạt động, vì vậy tại các nhà máy, dây truyền đều thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó vaccine đóng vai trò trọng yếu. Cùng với đó, DN đã xây dựng các kịch bản, tình huống có thể xảy ra để có thể chủ động hành động.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất của các DN từ khâu liệu đầu vào, đầu ra, cung ứng lao động… có những thời điểm DN bị gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch nên hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong KKT Vũng Áng vẫn duy trì ổn định, duy trì việc làm ổn định cho người lao động.
"Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn KKT Vũng Áng có 146 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 89 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 48.720 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,589 tỷ USD. Hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Vũng Áng đã mang lại gần 60 % tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ, duy trì chuỗi sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn các KKT tỉnh Hà Tĩnh - cho hay.
9 tháng, sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng dương
Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - ông Hoàng Văn Quảng - mặc dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid nhưng sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Do chủ động hơn trong dịch bệnh nên các DN sản xuất ổn định hơn, các chỉ số sản xuất toàn ngành đã tăng 16,56% so cùng kỳ năm 2020.
Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo – “hạt nhân” của sản xuất công nghiệp tăng cao nhất với mức tăng 22,89%; công nghiệp khai khoáng tăng 12,55%; sản xuất và phân phối điện giảm 2,93% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,62%.
Cùng với chỉ số sản xuất tăng, ngành công nghiệp liên tiếp đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các dự án đầu tư hạ tầng được khởi công, như Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 1.287 tỷ đồng tại KKT Vũng Áng đi vào hoạt động; bàn giao mặt bằng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn vào tìm hiểu, đầu tư…
Ông Hoàng Văn Quảng cho biết thêm, Sở đã vạch ra nhiệm vụ cụ thể cho những tháng cuối năm. Theo đó, đơn vị tiếp tục theo dõi, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển công nghiệp. hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.
Trong quý IV/2021, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, các dự án mới đầu tư sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp lớn đang triển khai; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp chế biến, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản.
Hoàng Trinh- Báo Công Thơng
Thu Trang sưu tầm