Công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hoá là tỉnh Bắc Trung Bộ, có vị trí địa lý chính trị quan trọng; là tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích (11.134,6 km2) và thứ 3 về dân số (3,5 triệu người) trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước; có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; có mạng lưới giao thông đường bộ với 4 tuyến quốc lộ quan trọng, đường thủy nội địa với các sông lớn, đường hàng không từ cảng hàng không Thọ Xuân, đường biển với cảng biển nước sâu Nghi Sơn; có cửa khẩu quốc tế Na Mèo và cửa khẩu quốc gia Tén Tần thông thương với nước bạn Lào... Trong những năm gần đây, kinh tế Thanh Hóa luôn tăng trưởng cao (GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 8,2%/năm, năm 2016 tăng 9,05%, năm 2017 đạt 8,26%, 9T/2018 tăng 12,36% ). Ngoài khu kinh tế Nghi sơn là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, tỉnh đã qui hoạch 8 khu công nghiệp. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển công nghiệp,TTCN nói riêng.
Trước năm 2003, ngành nghề TTCN ở Thanh Hóa phát triển tương đối đa dạng và phong phú, tập trung vào các nhóm nghề chính như: Nghề dệt chiếu, mây tre đan, khâu nón lá, nghề mộc, nghề kim khí, nghề chế biến lương thực, thực phẩm... Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất TTCN có qui mô nhỏ và nằm xen lẫn trong khu dân cư, vừa khó khăn về mặt bằng sản xuất, tổ chức vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm tiêu thụ, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng. Do đó, yêu cầu cấp thiết là phải tổ chức sắp xếp các cơ sở SX công nghiệp nhỏ và TTCN trên địa bàn toàn tỉnh.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh sớm của cả nước lập qui hoạch phát triển CCN và đã nhiều lần rà soát, điều chỉnh qui hoạch phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, cụ thể:
- Năm 2003, tỉnh Thanh Hóa phê duyêth quy hoạch là 68 CCN.
- Năm 2005, phê duyệt bổ sung thêm 36 CCN, nâng tổng số CCN toàn tỉnh lên 105 cụm.
- Năm 2011, rà soát điều chỉnh, xác định số CCN được qui hoạch giai đoạn 2010-2020 là 55 CCN.
- Năm 2015, tiếp tục điều chỉnh số CCN qui hoạch đến năm 2020 là 57 CCN (rà soát theo Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, CCN).
- Năm 2017, tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 9/8/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa, số CCN được qui hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 70 CCN với tổng diện tích đất là 2.113 ha.
Song song với công tác qui hoạch, để khuyến khích phát triển CCN, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng CCN từ ngân sách tỉnh, với mức hỗ trợ từ 0,7 triệu đồng đến 2,3 triệu đồng/ha tùy theo từng địa bàn. CCN có mức hỗ trợ cao nhất là 40 tỷ đồng/CCN.
Phát triển CCN tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng. Toàn tỉnh đã có 45 CCN có DN sản xuất kinh doanh trong cụm; thu hút 238 DN đầu tư sản xuất, với diện tích thuê đất 476,17 ha; tạo việc làm cho khoảng 37.000 lao động; đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật: 09 CCN.
CCN phát triển đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:
- Đáp ứng được nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phục vụ được mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc nằm xen kẽ trong các khu dân cư; giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới.
- Đa dạng hóa các nguồn vốn tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; góp phần hình thành và phát triển đô thị mới, khôi phục làng nghề truyền thống, du nhập phát triển nghề mới, phát triển được tài năng của các nghệ nhân nghề và bảo vệ môi trường sinh thái;
- Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần quan trọng để kinh tế phát triển...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của CCN còn nhiều khó khăn, hoạt động của CCN còn hạn chế, thể hiện trên một số mặt chính sau đây:
- Nhân lực thực hiện công tác quản lý Nhà nước về CCN còn khó khăn: theo quy định, cấp huyện định kỳ phải báo cáo rất chi tiết về tình hình CCN trên địa bàn. Tuy nhiên, các phòng Kinh tế - Hạ tầng (phòng Kinh tế) biên chế ít (từ 02 đến 04 người) nhiều lĩnh vực theo dõi quản lý (Công nghiệp, thương mại, xây dựng cơ bản, giao thông...), năng lực cán bộ cũng còn hạn chế. Do đó, việc thực hiện công tác quản lý nhà nước và định kỳ báo cáo về CCN còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN lớn. Tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP có qui định: ngân sách Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN làng nghề, tuy nhiên vốn ngân sách TW trong cả giai đoạn 2016-2020 chỉ hỗ trợ cho tỉnh Thanh Hóa 01 CCN.
- Toàn tỉnh chưa có CCN nào được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, mặc dù đã có 10 CCN cơ bản được lấp đầy.
- Hạ tầng giao thông ngoài CCN chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là CCN có doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành: Da Giầy, may mặc...gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm.
- Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Thông tư số 15/2017/TT-BCT về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 68/2017/NĐ-CP đã có nhiều vướng mắc, phát sinh do có một số qui định chưa đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác và tình hình thực tiễn, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và phát triển CCN trên địa bàn các tỉnh nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Cụ thể:
+ Nghị định 68/2017/NĐ-CP ban hành trước khi Luật Quy hoạch ra đời, do đó nội dung về quy hoạch phát triển CCN trái với Luật quy hoạch (Mục 1, Chương II).
+ Quy định về điều kiện thành lập CCN còn chưa phù hợp thực tiễn: tại Điểm c, Khoản 1, Điều 10, NĐ 68/2017/NĐ-CP quy định:“Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha”.
Tại một số huyện có địa bàn rộng, được qui hoạch nhiều CCN, do đó có thể thành lập đồng thời nhiều CCN để thu hút đầu tư, phát triển nhiều ngành nghề phù hợp với từng khu vực. này.
+ Tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN chưa rõ: tại Khoản 3, Điều 15, NĐ 68/2017/NĐ-CP quy định: “Trường hợp một cụm công nghiệp có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, căn cứ năng lực tài chính, kinh nghiệm của từng doanh nghiệp, hợp tác xã và mức độ khả thi của báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.”
Việc quy định quá chung chung, không rõ tiêu chí lựa chọn do đó, không có tính khả thi. Thực tế hầu hết các tỉnh đều vướng mắc khi thực hiện quy định này và đang làm chậm đi sự phát triển của các CCN có lợi thế so sánh, được nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm.
+ Quy định về quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích còn bất cập: Tại Khoản 2, điều 19, NĐ 68/2017/NĐ-CP qui định: “Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm tổ chức cung cấp, quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong cụm công nghiệp; xây dựng, phê duyệt Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trên cơ sở ý kiến của các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, không trái quy định của pháp luật. Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày quyết định phê duyệt Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện để theo dõi, quản lý.”
Trong thực tế Chủ đầu tư có thể xây dựng Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích chung đồng thời với quá trình đầu tư hạ tầng hoặc trước thời điểm có nhà đầu tư thứ cấp, để công khai, minh bạch, thể hiện các ưu đãi thu hút đầu tư riêng của mình, chứ không chờ có nhà đầu tư thứ cấp vào CCN mới lấy ý kiến xây dựng Quy chế quản lý dịch vụ công công, tiện ích chung.
Mặt khác, việc nhà đầu tư chỉ gửi cho Sở Công Thương và UBND cấp huyện biết sau khi đã ban hành Quy chế trên, dẫn đến thiếu sự hướng dẫn, tham gia ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước khi xây dựng Quy chế, làm giảm tính chặt chẽ và khả thi của Quy chế.
+ Quy định về điều kiện ưu đãi, hỗ trợ CCN làng nghề rất khó thực hiện: Tại Khoản 3, Điều 31, NĐ 68/2017/NĐ-CP quy định: “Tính đến thời điểm xem xét hưởng ưu đãi, hỗ trợ, tỷ lệ đăng ký lấp đầy trên 80%, trong đó trên 60% của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.”
Với quy định này, nhà đầu tư hạ tầng CCN không thể thực hiện vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được. Vì vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được thực hiện trong giai đoạn đầu tư hạ tầng CCN, khi đó, chưa thể đạt tỷ lệ lấp đầy 80%. Nhà đầu tư thiếu vốn sẽ phải vay các nguồn vốn thương mại để đầu tư hạ tầng CCN. Khi hoàn thành lại không được vay vốn tín dụng Nhà nước nữa (đã kết thúc giai đoạn đầu tư).
Để hạn chế những khó khăn, thực hiện tốt hơn công tác phát triển CCN, trong thời gian tới, Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện các quy định về quản lý và phát triển CCN tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Thông tư số 15/2017/TT-BCT về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 68/2017/NĐ-CP.
- Triển khai thực hiện Quy chế quản lý CCN đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành tại Qyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 22/8/2018.
- Phổ biến rộng rãi Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới được phê duyệt; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư cùng với việc quan tâm cải cách thủ tục hành chính.
- Thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và thu hút doanh nghiệp đầu tư SXKD trong CCN được vốn ngân sách TW hỗ trợ; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN của tỉnh (Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh), phấn đấu mỗi năm thu hút 03 đến 05 DN kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho CCN: Tổ chức đào tạo cho cán bộ quản lý CCN; đào tạo lao động theo các chính sách hiện hành, để đáp ứng nhu cầu tay nghề cho doanh nghiệp trong CCN...
SCT THANH HÓA