CÔNG THƯƠNG HÀ TĨNH- 70 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Hoàng Văn Quảng
Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam. Trong thư Bác nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Chín năm sau đó, ngày 14/5/1951, Người đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Bộ Công Thương được chia tách, sáp nhập, tái nhập; ngày 31/7/2007, Quốc hội khoá XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 02/10/2008, lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.
***
Nhìn lại chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển Ngành Công Thương Hà Tĩnh cùng đất nước, nhiều lần chia tách - sáp nhập bộ máy; nhưng dù ở bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và Nhân dân giao phó và luôn tiên phong, khẳng định vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Hà Tĩnh phải chiến đấu với giặc dốt, giặc đói, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ chỗ hầu như không có gì đáng kể, chính quyền Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp phục hồi sản xuất nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tiêu biểu như nghề rèn đúc ở Trung Lương, nghề muối Hộ Độ, nghề dệt vải, nghề mộc Thái Yên… vừa góp phần đắc lực phục vụ kháng chiến, vừa đặt nền móng cho sự phát triển làng nghề truyền thống về sau này. Hoạt động thương nghiệp chủ yếu qua tổ chức Mậu dịch quốc doanh của Hà Tĩnh có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu sản xuất, chiến đấu, dân sinh, phương thức bán buôn là chính, bán lẻ là phụ.
Thời kỳ sau năm 1954, nước ta giành được hoà bình ở miền Bắc, ngành Công nghiệp và Thương mại Hà Tĩnh cùng với cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong bom đạn chiến tranh, nhiều cơ sở đơn vị sản xuất thuộc Ngành phải đi sơ tán, di chuyển nhiều lần nhưng lãnh đạo ngành cùng các đơn vị, xí nghiệp vẫn bám sát nhiệm vụ để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông phục vụ nhân dân, phục vụ tiền tuyến đánh Mỹ. Những điển hình xuất hiện trong thời kỳ ấy như: Xí nghiệp cơ khí ấp Bắc, Xí nghiệp sản xuất sành sứ thủy tinh, Xí nghiệp sản xuất bánh kẹo, Công ty nông sản thực phẩm Hà Tĩnh, Cửa hàng phục vụ ăn uống Voi, HTX mua bán xã Đức Hòa (Đức Thọ)… Hàng ngàn cán bộ ngành Công Thương Hà Tĩnh đã ngày đêm quên mình tham gia hoạt động sản xuất lưu thông để phục vụ yêu cầu của chiến trường, công nhân không chịu rời nhà máy, nhân viên không chịu rời quầy hàng. Hàng trăm người trong đội ngũ trùng điệp ấy đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Khi đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà, tháng 12 năm 1975, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã được hợp nhất lại thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Tháng 3 năm 1976, các cơ quan, ban ngành tiến hành hợp nhất, Ty Công nghiệp Nghệ An và Hà Tĩnh cũng được sáp nhập thành Ty Công nghiệp Nghệ Tĩnh. Thời gian này ngành Công nghiệp và Thương nghiệp vừa phải củng cố tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, vừa phải thực hiện các chính sách thu mua, thu đổi hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và thực hiện chỉ tiêu giao nộp cho Trung ương.
Bóc lạc Xuất khẩu sang Liên Xô thời bao cấp
Tháng 9/1991, sau khi tách tỉnh Ngành Công nghiệp và Thương nghiệp Hà Tĩnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cơ sở vật chất nghèo nàn. Thực hiện công cuộc đổi mới, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm và tập trung dồn sức chỉ đạo phát triển công nghiệp, thương mại. Xuyên suốt các Nghị quyết đại hội lần thứ 15 đến 19 của Tỉnh đảng bộ đều nhấn mạnh đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp - dịch vụ phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong phát triển công nghiệp, thương mại được tỉnh ban hành và thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, với sự nỗ lực, sáng tạo của CBCC, người lao động Ngành Công nghiệp và Thương mại Hà Tĩnh đã năng động, nắm bắt cơ hội thực hiện chủ trương đổi mới, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Từ chỗ xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ lẻ, ngành công nghiệp đã từng bước đóng góp quan trọng, tạo động lực chính trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Kết cấu hạ tầng dịch vụ, thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thị trường hàng hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tỉnh chỉ chiếm 11,22% năm 1991, lên 7,52% năm 2011 lên 12,92% năm 2015 và lên 34,74% vào năm 2020. Quy mô ngành công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 1991 chỉ đạt khoảng 238,8 tỷ đồng, tăng lên 5.827 tỷ đồng năm 2011, lên 12.396 tỷ đồng năm 2015 và trên 80.000 tỷ đồng năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 4 triệu USD năm 1991 lên 64,5 triệu USD năm 2010, lên 124 triệu USD năm 2015 và lên 1,2 tỷ USD năm 2020.
Một góc Cảng Sơn Dương Vũng Áng
Hình thành 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 23 cụm CN-TTCN, nhiều dự án trọng điểm quy mô lớn. Từng bước phát triển Khu kinh tế Vũng Áng thành KKT động lực của tỉnh, là hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh. Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I công suất 1.200 MW, các nhà máy sợi, may mặc đi vào sản xuất tại các CCN phía Bắc của tỉnh và nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp mới như gỗ MDF, HDF đi vào hoạt động... Phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo được quan tâm, đánh dấu bằng việc đi vào hoạt động sản xuất của Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (50MWp) vào năm 2019; các nhà máy điện gió đã và đang được bổ sung quy hoạch, sẽ sớm triển khai tạo thêm nguồn lực mới. Khánh thành và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm thương mại BMC, Vincom, hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+, Co.op Food tạo điểm nhấn cho đô thị; nhiều chợ ở đô thị và nông thôn đầu tư theo hình thức xã hội hóa có hạ tầng khang trang, quản lý chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu biểu như Chợ Hồng Lĩnh, chợ Cày, thị trấn Thạch Hà, chợ huyện thị trấn Hương Khê, chợ Gôi xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn…
Nhà máy thép Formosa
Chợ Huyện thị trấn Hương Khê
Bộ máy quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương cũng không ngừng đổi mới, tinh gọn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi tái lập Sở Công Thương Hà Tĩnh vào năm 2008, trên cơ sở sát nhập Sở Công nghiệp và mảng Thương mại từ Sở Thương mại - Du lịch, đến nay đã trải qua các lần kiện toàn, tách nhập cơ quan chuyên môn của Sở. Đặc biệt triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Kết luận số 05-KL/TU ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, tiến tới xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Sở Công Thương thể hiện vai trò tiên phong xây dựng Đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và điều chỉnh chức năng nhiệm vụ. Đến nay, tổ chức bộ máy của Sở Công Thương được tinh gọn, giảm đầu mối từ 8 phòng chuyên môn và 01 đơn vị trực thuộc xuống còn 05 phòng chuyên môn và 01 đơn vị trực thuộc.
Cán bộ Công chức Sở Công Thương năm 2021
Nhìn lại 70 năm hình thành và phát triển, mỗi cán bộ công chức, viên chức người lao động của Ngành rất tự hào về những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Ghi nhận những thành tựu đó, Sở Công Thương vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhất; nhiều đơn vị của Ngành đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND Tỉnh Hà Tĩnh tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua xuất sắc và nhiều danh hiệu cao quý khác cho tập thể và cá nhân.
********
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong suốt chặng đường 70 qua, CBCC, người lao động ngành Công Thương Hà Tĩnh đang phấn đấu nâng tầm phát triển ngành Công Thương nói riêng và kinh tế tỉnh nói chung trong giai đoạn tới, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 là xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, dịch vụ phát triển, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ. Quý I/2021, nhiều nhà đầu tư lớn tìm hiểu đầu tư vào Hà Tĩnh như VSIP Group, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần khí hóa lỏng và năng lượng Hà Tĩnh với Dự án Cảng trung tâm tiếp nhận và phân phối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại KKT Vũng Áng... sẽ hứa hẹn những tiềm năng phát triển vững mạnh trong thời gian tới.