Giải pháp thực hiện công tác dân vận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, trong những năm qua, công tác dân vận luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở, Công đoàn ngành; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hầu hết được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, chấp hành pháp luật, thực thi công vụ; luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc phê bình và tự phê bình; tập thể cơ quan luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; vai trò người đứng đầu được phát huy tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tạo mối đoàn kết thống nhất trong toàn Sở. Kết quả thực hiện công tác dân vận được thể hiện qua các nội dung sau:
Công tác tuyên truyền, phổ biến được chú trọng: Đảng ủy, Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Hội đồng phổ biến pháp luật Sở tổ chức quán triệt, phổ biến kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, đặc biệt là Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 14/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Quyết định số 269-QĐ/TU, ngày 30/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới và Chương trình phối hợp số 301- CTr/BDVTU - BCSĐUBND, ngày 25/5/2022 của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân vận giai đoạn 2022 -2026, nhờ đó nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở về công tác dân vận được nâng lên.
Quan tâm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội được Đảng ủy, Lãnh đạo Sở thường xuyên quan tâm, chỉ đạo; chú trọng công tác tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng, đào tạo khả năng vận động nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, cá nhân như: cán bộ trực tại bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cán bộ làm công tác văn thư, tổ chức cán bộ, thanh tra, kế toán …. ;
Hàng năm, Đảng ủy, Lãnh đạo Sở yêu cầu chi bộ, các phòng, đơn vị tiến hành kiểm tra đánh giá hoạt động công tác dân vận; thường xuyên giám sát các nội dung và hình thức triển khai, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, từ đó nhằm đưa phong trào thi đua “dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước đi vào chiều sâu, thiết thực; chú trọng việc lựa chọn lĩnh vực cụ thể, trọng tâm để phát động, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua như phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" đã góp phần quan trọng vào thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân; phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025; phong trào xây dựng đô thị văn minh; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được đông đảo cán bộ công chức, viên chức hưởng ứng tham gia.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở: Hàng năm, cơ quan Văn phòng Sở và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đều tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức và người lao động để đánh giá tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở đơn vị. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, Sở đã xây dựng và ban hành Quy chế văn hóa công vụ, Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động tại cơ quan, Quy chế làm việc; các văn bản tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phân công, cử cán bộ nắm vững nghiệp vụ, có đạo đức tốt, trách nhiệm đến Trung tâm hành chính công để thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính và tham gia tiếp công dân tại Sở. Vì vậy, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng quy định.
Thực hiện nghiêm các quy định về quy tắc ứng xử trong điều hành, giải quyết công việc, luôn gắn trách nhiệm và đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; gương mẫu tự học, tự rèn, không tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân khi giải quyết công việc.
Duy trì hòm thư góp ý để lấy ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính và trách nhiệm, tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ; bố trí phòng tiếp công dân, các nội quy, quy chế tiếp công dân và phương tiện làm việc; phân công bộ phận tiếp công dân (Thanh tra Sở) thường xuyên thực hiện tiếp công dân theo quy định. Ngoài ra, trên website: socongthuong.hatinh.gov.vn bố trí chuyên mục kiến nghị, phản ánh của người dân để dân góp ý trực tuyến.
Thực hiện tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của tỉnh: Xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong những năm qua, Sở đã thường xuyên chỉ đạo rà soát các thủ tục hành chính, tham mưu UBND tỉnh công bố kịp thời, đầy đủ danh mục thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành; các thủ tục hành chính được niêm yết công khai và thường xuyên được rà soát, cắt giảm, bãi bỏ; thường xuyên cập nhật quy trình điện tử các thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin dịch vụ công; công bố, công khai tại trụ sở cơ quan, trang thông tin điện tử của Sở về các thủ tục hành chính được UBND tỉnh ban hành... để tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Thực hiện nghiêm túc việc công khai địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, công khai địa chỉ của Sở, hộp thư góp ý tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử. Duy trì sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển trả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; từ đầu năm đến nay, không có phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thủ tục hành chính, cụ thể: duy trì, nâng cao hiệu quả việc thực hiện Hệ chương trình Quản lý văn bản và hồ sơ công việc thường xuyên theo dõi hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến của UBND tỉnh, thông qua trang Điều hành tác nghiệp, văn bản chỉ đạo, gửi nhận văn bản…; duy trì và sử dụng có hiệu quả các phần mềm như phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm bảo hiểm, phần mềm kế toán, phần mềm dịch vụ công trong giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm quản lý xuất nhập khẩu…. theo quy định; các văn bản đi, văn bản đến đều được cập nhật qua phần mềm và chuyển xử lý kịp thời.
Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các tổ chức đoàn thể:Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Sở, Công đoàn ngành Công Thương Hà Tĩnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức công đoàn trực thuộc; chỉ đạo các tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, Lãnh đạo Công đoàn với đoàn viên và người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động; đồng thời áp dụng hình thức đối thoại gián tiếp (chủ yếu là từ người lao động gửi đến người sử dụng lao động) bằng cách đặt thùng thư tại cổng đơn vị để thu thập ý kiến của mọi người, thuận lợi cho người lao động tham gia, đồng thời cũng thu thập được nhiều kiến nghị về chế độ, chính sách để đến khi đối thoại trực tiếp sẽ trả lời cho người lao động thật xác đáng. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị đã kịp thời tham gia, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động đảm bảo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Hoạt động của các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh) đã có nhiều chuyển biến tích cực; các tổ chức đã tích cực đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác thu hút, tập hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tham gia cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động nổi bật như ngày hội hiến máu tình nguyện, quyên góp, hỗ trợ cho đồng bào vùng bão lũ, vùng sâu, vùng xa, các chương trình xây nhà tình nghĩa,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân dân của Sở còn một số tồn tại, khó khăn như: Việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận còn một số nội dung chưa đầy đủ, công tác dân vận chưa thực sự đi vào chiều sâu; việc lồng ghép triển khai nhiệm vụ chính trị với công tác dân vận chưa thường xuyên; trình độ nghiệp vụ của người làm công tác dân vận còn hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận đôi khi còn chậm, chưa kịp thời; việc tổ chức đối thoại trực tiếp còn nặng về các các biện pháp áp đặt, chưa chú trọng vận động, thuyết phục, giải thích để đoàn viên và người lao động hiểu.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân vận tại Sở Công Thương, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận... của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 26/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc rà soát và sắp xếp tinh gọn bộ máy; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần gũi với Nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, chỉ đạo thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 29-KL/TU, ngày 22/7/2021 và Công văn số 1567-CV/TU, ngày 16/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Thứ tư, xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ ở cơ sở. Thường xuyên rà soát, có giải pháp kịp thời, phù hợp để chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, đảng viên làm việc lâu năm tại một vị trí; quan tâm bổ sung biên chế, số người làm việc cho cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao văn hóa giao tiếp trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; nghiêm cấm hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, công dân.
Thứ năm, tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm phối hợp động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện và phát huy quyền làm chủ của công dân, thực hiện tốt Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, người lao động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, người lao động.
Có các giải pháp để thực hiện tốt chính sách khuyến khích, động việc để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dám nghĩ, dám làm; có nhiều sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả công việc.
Nguyễn Đức Hà - Phó Chánh Văn phòng







