Hà Tĩnh thu hút đầu tư các dự án điện mặt trời
Ngày 09/8/2018, tại diễn đàn Năng lượng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức để bàn về việc phát triển năng lượng bền vững; đại diện Bộ Công Thương cho biết Việt nam có thể sẽ đối mặt với việc thiếu nguồn cung năng lượng trong nước và sẽ phải phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 do các nguồn điện khởi công xây dựng, đưa vào vận hành chậm so với quy hoạch điện 7, nguồn nhiên liệu cho phát điện như than, khí thiên nhiên, nguồn nước về các hồ thủy điện đang giảm dần…
Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học...) và đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được cho là một trong những biện pháp căn cơ để đảm bao an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Ngày 12/3/2019, tại hội thảo Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng tái khẳng định Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống.
Để khuyến khích phát triển NLTT, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như cơ chế về giá điện cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Hiện Bộ Công Thương đang dự thảo, lấy ý kiến góp ý Quyết định thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (sẽ được áp dụng từ 01/7/2019).
Hà Tĩnh là một tỉnh có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi về nhu cầu sử dụng điện và cường độ bức xạ mặt trời trung bình đo được là 4,28kWh/m2/ngày; đây là điều kiện phù hợp để triển khai các dự án nhà máy điện mặt trời nối lưới. Thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu, khảo sát, lựa chọn địa điểm triển khai các dự án nhà máy điện mặt trời như: Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty German Asean Power (Cộng hòa Liên bang Đức)…
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã hướng dẫn các chủ đầu tư khảo sát địa điểm, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung các dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đấu nối vào lưới điện quốc gia, hợp đồng mua bán điện, theo dõi, giám sát hoạt động của các dự án… Đến thời điểm hiện tại Hà Tĩnh đã và đang triển khai một số dự án điện mặt trời nối lưới quy mô, cụ thể:
- Dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, công suất 50 MWp, do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng) đã khởi công được 05 tháng; đấu nối vào lưới điện quốc gia thông qua đường dây và trạm biến áp 110kV từ xã Cẩm Hòa đến xã Cẩm Hưng dài hơn 17 km; dự kiến chính thức phát điện lên lưới điện quốc gia trước 30/6/2019.
Chiều ngày 04/6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng, Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng và đại diện Công ty Điện lực Hà Tĩnh chứng kiến đóng điện xung kích trạm biến áp 110KV Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (ảnh Báo Hà Tĩnh)
Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa có bao gồm 153.000 mô-đun loại đa tinh thể, công suất 50 MWp; trạm biến áp 110KV, đường dây 110KV từ xã Cẩm Hòa đến xã Cẩm Hưng dài hơn 17 km để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (ảnh Báo Hà Tĩnh)
- 02 dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) và xã Sơn Quang (Hương Sơn) có tổng công suất 58MWp (29MWp/1 nhà máy) do Công ty TNHH GA Power Solar Park (CHLB Đức) làm chủ đầu tư. Các dự án được đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp xây mới 22/110 kV điện mặt trời Cẩm Hưng, Sơn Quang, công suất 1x40 MVA tại các nhà máy điện và các đường dây 110kV xây mới để đấu nối (vận hành năm 2019), đồng bộ với tiến độ nhà máy điện mặt trời. Hiện nhà đầu tư đang triển khai các bước thiết kế kỹ thuật thi công, dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành, đưa vào vận hành trong quý 4/2019.
- Ngoài ra, Sở Công Thương đang hướng dẫn các nhà đầu tư khác hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực đối với các dự án điện mặt trời khác như: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (giai đoạn 2, công suất 100MW); dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Rào Trổ (công suất 400MW, tại xã Kỳ Thượng) chủ đầu tư là Công ty CP Điện mặt trời Hà Tĩnh; dự án Nhà máy điện mặt trời Cẩm Mỹ (công suất 250MW), Kỳ Sơn (250MW) của Công ty CP Tập đoàn Trường Thành; dự án Nhà máy điện mặt trời Cẩm Lạc (120MW) của Công ty CP Năng lượng HLT; các dự án đang khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất của Công ty CP ECO SUN tại các xã phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh, công suất 35MW), Cẩm Dương (Cẩm Xuyên, công suất 200MW), Thạch Trị (Thạch Hà, công suất 100MW), Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh, công suất 80MW).
Lê Sỹ Đình