Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng tại buổi làm việc về xây dựng các mô hình công nghiệp nông thôn điển hình
File đính kèm:
2020_04_03_ubndtinh2020-120-tb-ket-luan-cua-pct-duong-tat-thang-tai-buoi-lam-viec-ve-mo-hinh-cnnttb-pn82e.pdf
Thực hiện Văn bản số 606/UBND-KT1 ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh về việc lựa chọn, xây dựng mô hình phát triển công nghiệp nông thôn; ngày 25/3/2020, tại Không gian làm việc chung cho doanh nghiệp - CED Central (số 02, đường Vũ Quang); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đã chủ trì buổi làm việc nghe về 02 mô hình công nghiệp nông thôn hỗ trợ xây dựng thành các mô hình điển hình (Phát triển chuỗi sản phẩm từ gạo lứt Omega An Phát của Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát và Sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ tại Cụm công nghiệp Thái Yên gắn với du lịch làng nghề của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên - Là 02/10 mô hình được lựa chọn); cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị: Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ PTDN và XTĐT tỉnh cùng đại diện hơn 15 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe Giám đốc 02 doanh nghiệp giới thiệu về mô hình, định hướng phát triển trong thời gian tới và những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị; ý kiến góp ý của các đại biểu dự làm việc; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận như sau:
Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao mô hình sản xuất kinh doanh của 02 doanh nghiệp, mặc dù còn trẻ nhưng có ý tưởng sáng tạo, thể hiện được tâm huyết, khát vọng và nỗ lực trong quá trình khởi nghiệp; các mô hình nêu trên không chỉ tận dụng và phát triển nguồn nguyên liệu của địa phương mà còn nhiều không gian để mở rộng, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường và tạo thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, có tiềm năng để trở thành các mô hình công nghiệp nông thôn điển hình của Tỉnh. Trong điều kiện dịch bệnh do virut Covid – 19 gây ra đang diễn biến phức tạp dẫn đến tình hình xuất nhập khẩu và dịch vụ logsitics gặp nhiều khó khăn, tuy vậy, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tận dụng thời cơ để nghiên cứu kỹ, nhìn nhận lại để hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình và tham gia sâu hơn vào thị trường nội địa. Để tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ 02 doanh nghiệp nêu trên hoàn thiện các mô hình, đạt được mục tiêu đề ra; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu và đề nghị:
1. Đối với Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát: Nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất địa điểm đầu tư hợp lý, tốt nhất đề xuất dự án đầu tư vào trong cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định và phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của Tỉnh. Trên cơ sở vị trí đầu tư lựa chọn, chủ động có văn bản đề xuất UBND tỉnh và UBND cấp huyện, xã để được chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gần khu vực xây dựng nhà máy để giảm thiểu chi phí logistics, góp phần giảm giá thành sản phẩm và thuận lợi trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, hoàn thiện dây chuyền sản xuất, gắn với đổi mới công nghệ để ổn định, đồng đều và nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, gắn với sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cũng như đạt tiêu chuẩn cao trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu; đồng thời chủ động nghiên cứu, xây dựng các hồ sơ đề xuất hỗ trợ từ các chính sách của Tỉnh, gửi Sở Công Thương tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ theo quy định.
2. Đối với Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên: Nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để tiến tới giảm tỷ lệ xuất khẩu thô sản phẩm, từng bước xâm nhập thị trường nội địa và xuất khẩu thành phẩm gắn với thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên (lưu ý nghiên cứu kỹ các quy định về chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ khi xuất khẩu thành phẩm). Đầu tư đổi mới, nâng cấp dây chuyền sản xuất, công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm, gắn với sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường (lưu ý đến tính chất sản xuất gỗ thường nhiều bụi và ảnh hưởng của sơn đến người lao động cũng như môi trường xung quanh, đặc biệt đây lại là mô hình gắn với du lịch làng nghề). Phát triển các mô hình vệ tinh sản xuất cho doanh nghiệp trong làng nghề Thái Yên để nâng cao công suất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cũng như tạo chuỗi giá trị cho các sản phẩm. Chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu; đồng thời chủ động nghiên cứu, xây dựng các hồ sơ đề xuất hỗ trợ từ các chính sách của Tỉnh, gửi Sở Công Thương tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ theo quy định.
3. Sở Công Thương: Là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 606/UBND-KT1 ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh. Thường xuyên, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp nêu trên với các sở, ngành, địa phương để được hỗ trợ, hoàn thiện mô hình. Tiếp tục hướng dẫn và phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình còn lại. Để khuyến khích, động viên 02 doanh nghiệp nêu trên tiếp tục nỗ lực hoàn thiện mô hình; trên cơ sở nguồn kinh phí khuyến công, phát triển công nghiệp đã được phân bổ, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho 02 doanh nghiệp trước ngày 09/4/2020 và sẽ xem xét, tiếp tục hỗ trợ khi các mô hình đã hoàn thiện hoặc hoàn thiện một phần tùy theo các nội dung hỗ trợ theo quy định. Nghiên cứu, hỗ trợ 02 doanh nghiệp nêu trên về việc hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu, các phương thức tìm kiếm, tiếp cận, mở rộng thị trường; kết nối để các doanh nghiệp tham gia các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm buôn bán, trước hết là tại các địa điểm trong tỉnh và hỗ trợ tối đa trong việc tham gia các hội chợ, sự kiện kết nối giao thương. Trực tiếp đến tận cơ sở để hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tìm kiếm và hỗ trợ kết nối với chuyên gia để trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp nâng cao công tác đảm bảo môi trường và tiết kiệm năng lượng. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan, nghiên cứu kỹ các chính sách của tỉnh, phân bổ nguồn vốn theo chính sách đã được cấp và tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù về cách thức thực hiện nhằm đơn giản hóa thủ tục, thực hiện lồng ghép các chính sách để hỗ trợ các mô hình.
4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu kỹ về dây chuyền sản xuất, công nghệ máy móc thiết bị đang sử dụng của 02 doanh nghiệp để có hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ việc nâng cấp, đổi mới; trường hợp vượt quá khả năng thì chủ động tìm kiếm, liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực, các viện, tổ chức nghiên cứu khoa học để hỗ trợ 02 doanh nghiệp trong việc đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị đảm bảo phù hợp; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 10/5/2020.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu, chủ trì, phối hợp với các địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khâu sản xuất và trong việc liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vùng nguyên liệu; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 10/5/2020.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ PTDN và XTĐT, các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan, hỗ trợ, hướng dẫn Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư và trong quá trình đầu tư dự án.
7. UBND huyện Thạch Hà, UBND huyện Đức Thọ: Theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu, giới thiệu địa điểm đầu tư, hướng dẫn hỗ trợ thực hiện các thủ tục về đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp theo các chính sách của huyện ban hành.
8. Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG Nông thôn mới tỉnh: Chủ động phân bổ, giành các nguồn lực để hỗ trợ các mô hình công nghiệp nông thôn theo danh sách đã được chấp thuận tại Văn bản số 606/UBND-KT1 ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP của tỉnh; nghiên cứu cải tiến và đa dạng các kênh tiếp nhận đăng ký tham gia chương trình OCOP, giảm thiểu các thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian và tăng cường tính kết nối giữa Chương trình OCOP với các chủ cơ sở sản xuất có sản phẩm muốn tham gia OCOP.
9. Trung tâm Hỗ trợ PTDN và XTĐT tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đóng vai trò làm cầu nối, thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Sở Công Thương để có chỉ đạo hỗ trợ kịp thời.
Đức Hà