NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH THỜI GIAN TỚI
Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước, là tất yếu khách quan của sự phát triển và đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của công cuộc đổi mới và cải cách nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021. Đối với Hà Tĩnh, CCHC được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nội dung đột phá chiến lược của Tỉnh, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/5/2022 về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3504/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030.
Trong năm 2024, công tác CCHC, chuyển đổi số tiếp tục được Đảng ủy, Lãnh đạo Sở Công Thương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành Công Thương. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác CCHC – chuyển đổi số, Sở Công Thương đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện: Kế hoạch số 110/KH-SCT ngày 08/4/2022 về CCHC ngành Công Thương đến năm 2030; Kế hoạch số 64/KH-SCT ngày 01/3/2022 về việc thực hiện Đề án Chuyển đổi số của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các chương trình, kế hoạch thực hiện trên các lĩnh vực năm 2024. Chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, chuyển đổi số; thực hiện chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Sở Công Thương.
Qua đó, công tác CCHC, chuyển đổi số của Sở Công Thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có nhiều điểm mới. Công tác cải cách thể chế, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có bước chuyển biến; Quyết định công bố TTHC được công khai, minh bạch, kịp thời; chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao; tổ chức bộ máy được củng cố, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hợp lý và phát huy hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung được nâng lên theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp... đã có những tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBCC,VC, nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC; không có các hiện tượng gây khó khăn, nhũng nhiễu trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Trong năm đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành 03 văn bản QPPL, góp phần cải cách thể chế trên lĩnh vực công thương; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và kiến nghị đơn giản hóa 7 TTHC. Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Danh mục và quy trình nội bộ TTHC đối với 24 TTHC; đến nay, có 108 TTHC lĩnh vực công thương, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 32 TTHC và dịch vụ công trực tuyến một phần đối với 76 TTHC; 100% TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiếp nhận 34.387 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 34.371 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,95%. đã giải quyết đúng hạn 34.348 hồ sơ, 39 hồ sơ đang giải quyết trong hạn, không có hồ sơ xử lý quá hạn; 100% người dân đánh giá mức độ hài lòng khi giải quyết TTHC; chỉ số công khai minh bạch đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ TTHC toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến/TTHC toàn trình có phát sinh hồ sơ đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ có đính kèm KQ/Tổng số hồ sơ đã giải quyết đạt 89,59%.
Công tác chuyển đổi số đã có nhiều chuyển biến tích cực dần đi vào chiều sâu: xây dựng hồ sơ, được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với 05 hệ thống thông tin đang quản lý, đạt tỷ lệ 100%; 100% văn bản đến, đi (trừ văn bản mật) được số hóa và thực hiện trên môi trường mạng; 100% văn bản đi (trừ văn bản mật) được thực hiện ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Hoàn thiện số hóa dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý điều hành lĩnh vực thương mại; sàn thương mại điện tử hatiplaza.com đến nay có 539 gian hàng, với hơn 682 sản phẩm gồm: sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; số lượt truy cập mỗi tháng đạt khoảng 15.000 - 18.000 lượt; doanh thu kênh thương mại điện tử và dịch vụ thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh 10 tháng đầu năm đạt trên 300 tỷ đồng; 100% cửa hàng xăng dầu, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng Vinmart+, Coopfood sử dụng phần mềm quản lý bán hàng, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và tích hợp Qrcode để quyét mã thanh toán. Thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã cập nhật lên hệ thống CSDL quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia; 228 cửa hàng xăng dầu mặt đất đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng (đạt tỷ lệ 100%). Về ngành điện: đến hết tháng 10/2024, có 420.302 (khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt) /474.990, đạt tỷ lệ 88,49%; 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đã được số hóa hợp đồng mua bán điện; thực hiện số hóa dữ liệu, triển khai quản lý lưới điện trên bản đồ GIS, phần mềm quản lý MBA, quản lý nguồn và lưới điện PMIS, chuẩn hóa thông tin khách hàng CMIS, phần mềm An toàn ECP.
Năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được thời gian qua, khắc phục các tồn tại hạn chế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Ngành giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, ngành Công Thương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC, chuyển đổi số như sau:
Một là, xây dựng kế hoạch tổ chức, thực hiện năm 2025 sát với các yêu cầu, kế hoạch của trung ương và của tỉnh, gắn với thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh. Nâng cao vai trò người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu của ngành Công Thương trên lĩnh vực CCHC, chuyển đổi số.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền; đặc biệt, tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện việc nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thanh toán trực tuyến.
Ba là, tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra công tác CCHC, chuyển đổi số kịp thời chấn chỉnh các tồn tại hạn chế để có biện pháp khắc phục; thường xuyên tham mưu công bố TTHC, rà soát đơn giản hóa TTHC; rà soát, sửa đổi các TTHC theo quy định của Bộ Công Thương; niêm yết, công khai minh bạch các TTHC và cập nhật kịp thời trên cơ sở dữ liệu quốc gia, Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Bốn là, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo bồi dưỡng theo kế hoạch; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ của CBCC, VC tại cơ quan. Công khai, minh mạch trong quản lý và sử dụng tài chính công.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; tập trung xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021-2025, các Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia.
Sáu là, tăng cường công tác bảo mật các hệ thống thông tin Sở đang quản lý; xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên lĩnh vực công thương; nâng cấp hệ thống trang thông tin của Sở đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới. Duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng ISO tại cơ quan Văn phòng Sở.
Phan Xuân Thắng - Văn phòng Sở