Phát triển năng lượng tái tạo tại QUẢNG BÌNH
Quảng Bình là tỉnh ven biển miền Trung với diện tích 8.065km2, dân số gần 88 vạn người; có 08 đơn vị hành chính, gồm 06 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố. Quảng Bình có tiềm năng về đất đai, cường độ bức xạ, số giờ nắng trong năm, tốc độ gió, với chi phí đền bù GPMB thấp, có điều kiện thuận lợi về giao thông và đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia ... để phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…).
Về điện mặt trời:Quảng Bình nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, với một nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm, có tiềm năng bức xạ mặt trời khá cao. Số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 – 1.820 giờ/năm, lượng bức xạ trong năm ở tỉnh Quảng Bình dao động trong khoảng 1.256 ÷ 1.418 kWh/m2/năm, tập trung chủ yếu vào các tháng mùa hè từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, theo số liệu của NASA cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,03 kWh/m2/ngày (số liệu của NREL 4,545 kWh/m2/ngày).
Hiện nay tỉnh đang phối hợp với Viện Năng lượng triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời. Dự kiến tổng công suất gần 1.200 MW trên địa bàn các xã: Ngư Thủy Bắc, Sen Thủy, Hưng Thủy huyện Lệ Thủy; Nam Trạch, Lý Trạch, huyện Bố Trạch và các mặt hồ nước lớn trong tỉnh như: Bàu Sen, Bàu Bàng, Bàu Mía, Phú Vinh ....
Trong thời gian qua có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu và mong muốn đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời. Đến nay, Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa – Hàn Quốc đã dăng ký xin thực hiện dự án với tổng công suất 550MW, trong đó, giai đoạn 1: Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp tại xã Ngư Thủy Bắc huyện Lệ Thủy đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 -2025, có xét đến 2035. Dự án đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và ký hợp đồng mua bán điện với EVN; Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đăng ký đầu tư 200MW, giai đoạn 1: Nhà máy điện mặt trời Sơn Hải 50MW tại xã Hưng Thủy huyện Lệ Thủy đã trình Hồ sơ cho Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch. Công ty Cổ phần xây dựng Trường Xuân thực hiện 160MW, giai đoạn 1: 50MW đang thực hiện khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Ngoài ra, có nhiều nhà đầu tư khác như: Solar Pacifico (Hàn Quốc), Solar Philippine, Công ty Trường Xuân... đang quan tâm, tìm hiểu nghiên cứu phát triển các dự án điện mặt trời.
Về điện gió: Quảng Bình là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển điện gió, vận tốc gió vùng ven biển bình quân từ 5,5 – 6,0m/s, vùng núi (khu vực bãi Dinh, xã Dân Hóa thuộc huyện Minh Hóa) từ 6,2 – 7m/s. Hiện nay tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với Công ty tư vấn điện 3 triển khai lậpquy hoạch phát triển điện gió. Dự kiến quy hoạch công suất 1.160 MW trên địa bàn các xã: Gia Ninh, Hải Ninh huyện Quảng Ninh; Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Sen Thủy, Văn Thủy, Thái Thủy, Hồng Thủy, Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy; Dân Hóa, huyện Minh Hóa; Trung Trạch, Tây Trạch, huyện Bố Trạch.
Đến nay, có 04 nhà đầu tư xin đăng ký thực hiện dự án: Công ty Cổ phần Điện gió B&T thực hiện dự án với tổng công suất 252MW, tại xã Gia Ninh, Hải Ninh huyện Quảng Ninh và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy; Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đăng ký thực hiện dự án với tổng công suất 300MW tại xã Dân Hóa huyện Minh Hóa, trong đó giai đoạn 1: 180MW, Công ty đã triển khai lắp đặt cột đo gió tại Bãi Dinh xã Dân Hóa từ tháng 12/2017; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô đăng ký thực hiện dự án 50MW tại Ngư Thủy Trung, Sen Thủy huyện Lệ Thủy; Công ty ENVISION ENERGY đăng ký thực hiện dự án 120MW tại các xã Sen Thủy, Thái Thủy, Văn Thủy huyện Lệ Thủy.
Quảng Bình xác định phát triển các nguồn năng lượng sạch là phương châm đồng hành với chiến lược phát triển du lịch - ngành kinh tế mủi nhọn của tỉnh. Để khuyến khích phát triển ngành năng lượng sạch theo mục tiêu đề ra, ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi chung của Chính phủ quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 như: Giảm tối đa 50% số tiền ký quỹ đất so với mức chung; Doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định hiện hành; các dự án tổng mức đầu tư từ 10 tỷ trở lên được hỗ trợ 2% tổng vốn đầu tư dự án (không bao gồm chi phí GPMB), tối đa lên đến 5 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào dự án tối đa lên đến 5 tỷ đồng; Hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động tối đa 500 triệu đồng/ dự án...
Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, quyết tâm bứt phá đi lên trở thành tỉnh phát triển trong vùng, Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ làm hết sức mình thực sự sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án nói chung và các dự án năng lượng nói riêng có hiệu quả và bền vững tại tỉnh.
Cuối cùng, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp, kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
SỞ CÔNG THƯƠNG QUẢNG BÌNH