File đính kèm:
2020_12_17_qd2020-2114-da-thi-diem-xd-tinh-ha-tinh-dat-chuan-ntm-gd2021-2025-sq6bv.pdf
Để xây dựng Hà tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần, vai trò chủ thể và vị thế của cư dân nông thôn được nâng cao; kinh tế nông thôn phát triển; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nông thôn văn minh, đoàn kết, bình yên, giàu bản sắc. Ngày 16 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đến năm 2025 toàn tỉnh có 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Nghi Xuân đạt nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người; ngành nông, lâm và thủy sản chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm; có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% số sản phẩm đạt 5 sao; 100% số di sản văn hóa – lịnh sử cấp tỉnh, 100% số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phát huy, có ít nhất 01 di sản trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng Bắc Trung Bộ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn bình quân chung của vùng Bắc Trung Bộ; 95% lượng chất thải rắn phát sinh được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định, 35% số hộ gia đình có biện pháp thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp, 55% số người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn, các nguồn phát sinh ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được quản lý; có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn hệ thống 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), 75% thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, chỉ số cạnh tranh cấp tinh (PCI) đạt loại khá, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 85%.
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Quyết định đã xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để phấn đấu đạt chuẩn và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, cấp huyện. Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh kết nối đô thị, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn. Vốn thực hiện đề án gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Để thực hiện Đề án, Quyết định cũng đã xác định một số giải pháp chủ yếu: (1) Về quy hoạch và tổ chức triển khai quy hoạch; (2) Về tuyên truyền và vận động; (3) Về cơ chế, chính sách; (4) Về khoa học và công nghệ; (5) Về nông thôn kết nối đô thị và phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp, dịch vụ; (6) Về huy động và sử dụng nguồn lực; (7) Về tổ chức bộ máy và giám sát và (8) Về đảm bảo an ninh, trật tự. Đồng thời, giao các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các nhiệm vụ đặt ra nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Tĩnh được công nhận là “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”
© 2018 congthuonghatinh.gov.vn
Địa chỉ: Số 02, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh