Sở Công Thương Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị với Thương nhân đầu mối, Thương nhân phân phối, Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh
Sáng ngày 25/02/2022 dưới sự chủ trì của Đồng chí Hoàng văn Quảng, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Công Thương, đã tiến hành Hội nghị với các Thương nhân đầu mối, Thương nhân phân phối, Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo kinh doanh trong hệ thống phân phối đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn không bị đứt gãy.
Dự Hội nghị có các đồng chí Phó Giám đốc sở Võ Tá Nghĩa, Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, các phòng chuyên môn liên quan của Sở Công Thương và Cục Quản lý Thị trường Hà Tĩnh cùng với Giám đốc, phòng nghiệp vụ của 10 thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 Kho xăng dầu: 01 kho của Công ty Cổ phần Xăng dầu Vũng Áng, trữ lượng 60.000 m3 và 01 kho của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Xây lắp và Xuất nhập khẩu Miền Trung tại Hà Tĩnh - Kho xăng dầu Xuân Giang, trữ lượng 9.000 m3; có 09 doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, 01 Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và có 229 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (trong đó có 03 doanh nghiệp đầu mối: Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh có 104 cửa hàng (75 thuộc sở hữu và 29 CHXD đại lý); thuộc hệ thống phân phối của Công ty CPXD và DK Vũng Áng là 63 (trong đó sở hữu 21, nhượng quyền 42), Công ty CP Phúc Lộc Ninh là 34 cửa hàng (9 thuộc sở hữu, 25 thuộc CHXD thuộc đại lý) chiếm đến 83,84% số CHXD trên địa bàn.
Đồng chí Hoàng Văn Quảng đánh giá cao sự cố gắng của các doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn hàng đồng thời chia sẻ sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua. Mặc dù khó khăn về nguồn cung, giá cả xăng dầu thế giới liên tục tăng, nhưng các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đảm bảo duy trì cung ứng cho hệ thống bản lẻ tại tất cả các cửa hàng xăng dầu và các khách hàng thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý, đại lý theo kế hoạch và tiến độ, không để đứt gãy nguồn cung. Hầu hết các cửa hàng xăng dầu mở cửa phục vụ sản xuất và tiêu dùng (chỉ có 03 cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng đã bị lực lượng Quản lý Thị trường và Thanh tra Sở Công Thương xử phạt nghiêm theo quy định).
Tại Hội nghị các đơn vị quản lý nhà nước cũng đã chỉ ra các hạn chế, tồn tại trong hệ thống phân phối và yêu cầu các Thương nhân đầu mối phân phối, Thương nhân phân phối chấn chỉnh và thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Hội nghị được nghe ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định, liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Hội nghị cũng đã tiến hành ký cam kết giữa các đơn vị quản lý nhà nước với Giám đốc các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Quảng – Tỉnh ủy viên – Giám đốc sở đã yêu cầu:
1. Đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu tại Văn bản số 389/BCT-TTTN ngày 24/01/2022 của Bộ Công Thương, Văn bản số 630/UBND-KT ngày 10/2/2022 của UBND tỉnh và Văn bản số 150A/SCT-QLTM2 ngày 27/01/2022, số 229/SCT-QLTM2 ngày 10/2/2022 của Sở Công Thương về đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên chủ động, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu chủng loại xăng dầu để cung cấp cung ứng cho hệ thống phân phối, các thương nhân nhượng quyền thương mại, các tổng đại lý, đại lý đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung.
- Chỉ đạo, giám sát hệ thống các CHXD trực thuộc và Nhượng quyền thương mại thực hiện mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu; nghiêm cấm việc đóng cửa khi không có lý do chính đáng và chưa được chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương theo quy định.
- Khẩn trương, chỉ đạo rà soát, tổ chức khắc phục đầy đủ, kịp thời các tồn tại, hạn chế đã được Sở Công Thương chỉ ra.
- Đăng ký hệ thống phân phối gửi Sở Công Thương theo quy định, khi có sự điều chỉnh về hệ thống phân phối gửi ngay về Sở để theo dõi, quản lý.
- Thống nhất việc ghi tên thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu/thương nhân phân phối xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình và tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thuộc hệ thống phân phối.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Bản cam kết việc chấp hành các quy của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
2. Đối các Cửa hàng bán lẻ xăng dầu
- Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Duy trì mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nghiêm cấm việc đóng cửa khi không có lý do chính đáng và chưa được chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương theo quy định.
- Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động, đóng cửa phải có lý do chính đáng, thực hiện thông báo bằng văn bản gửi Sở Công Thương, trong đó ghi rõ lý do ngừng bán hàng và chỉ được ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản.
- Khẩn trương, rà soát, tổ chức khắc phục đầy đủ, kịp thời các tồn tại, hạn chế đã được Sở Công Thương (nêu tại Báo kết quả kiểm tra đột xuất của Đoàn kiểm tra Sở Công Thương theo Quyết định số 18/QĐ-SCT ngày 11/02/2022).
3. Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh
- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu (thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu) để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, ngừng cung ứng, bán lẻ xăng dầu không đảm bảo quy định và các vi phạm khác liên quan; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu.
- Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan truyền thông công khai thông tin của các tổ chức, đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các tổ chức, đơn vị vi phạm.
Giám đốc sở Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ phòng ban liên quan của Sở Công Thương trong việc tổng hợp các kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp để báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương; tăng cường công tác công tác nhà nước xăng dầu theo quy định của pháp luật./.
Cẩm Thạch