Tăng cường hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
File đính kèm:
2019_12_18_cv2019-8287-tang-cuong-hoat-dong-khuyen-cong-phat-trien-cnnt-tren-dia-ban-tinh-f7ewf.pdf
Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong việc phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn, nhưng đã góp phần giúp cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ mới ...vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển. Tuy vậy, hoạt động khuyến công hiện vẫn còn nhiều hạn chế: Nhiều cơ sở chưa mặn mà với công tác khuyến công, một số sở, ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp nông thôn; chưa giành thời gian và nguồn lực thỏa đáng trong việc định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, chưa xây dựng đồng bộ kế hoạch chuyển tiếp, nhân rộng sau khi thực hiện các đề án khuyến công...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 8287/UBND-KT1 ngày 13/12/2019 giao các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện thực hiện một số giải pháp để việc tăng cường hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cụ thể:
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước một cách toàn diện về hoạt động khuyến công; đặc biệt là trong việc phát triển các mô hình mới, đổi mới công nghệ... phù hợp với tiềm năng, lợi thế, nguồn nguyên liệu của từng địa phương; tập trung vào một số nội dung sau đây:
- Về công tác hành chính trong hoạt động khuyến công: Tham mưu tổng kết Chương trình khuyến công địa phương ban hành tại Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh trong Quý II/2020; Nghiên cứu xây dựng Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025, báo cáo UBND tỉnh ban hành trong Quý IV năm 2020 và Kế hoạch khuyến công hàng năm.
- Chủ động tìm kiếm mô hình sản xuất để hỗ trợ, xây dựng các mô hình điểm trong phát triển công nghiệp nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan tìm kiếm, lựa chọn một số mô hình sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống hoặc địa bàn có nghề truyền thống, vùng nguyên liệu ổn định để hỗ trợ thông qua việc phối hợp các chính sách: Khuyến công, phát triển nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thương mại nông thôn, phát triển tài sản trí tuệ, du lịch... nhằm xây dựng thành các mô hình phát triển công nghiệp nông thôn điển hình, từ đó đánh giá và nhân rộng; yêu cầu trước mắt lựa chọn 05-10 cơ sở, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/01/2020 để xem xét, quyết định và triển khai thực hiện trong năm 2020. Xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết cho từng mô hình cụ thể; trong đó xác định rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan; thời gian thực hiện; các chính sách cụ thể hỗ trợ trong từng công đoạn; báo cáo UBND tỉnh trong tháng 01/2020.
2. UBND cấp huyện: Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong việc thực hiện nhiệm vụ về khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn. Cân đối ngân sách để chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động khuyến công của địa phương mình. Nâng cao chất lượng khảo sát, lựa chọn, đề xuất các đề án khuyến công đảm bảo đúng quy định. Tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở trong việc hoàn thiện hồ sơ đề án khuyến công theo yêu cầu; Tăng cường phối hợp giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí đã hỗ trợ đúng nội dung, đúng mục đích; định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả, những khó khăn vướng mắc và các kiến nghị đề xuất gửi Sở Công Thương để tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết. Xây dựng kế hoạch đề xuất hỗ trợ khuyến công giai đoạn 2021-2020 gửi Sở Công Thương trước ngày 31/12/2019 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ, rà soát, cân đối và tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí đủ kinh phí cho hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo các chính sách đã ban hành.
4. Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trong việc nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn và đề xuất UBND tỉnh trong việc đảm bảo các điều kiện phục vụ công việc để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
5. Sở Thông tin và Truyền thông theo thẩm quyền, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh về công tác quản lý nhà nước và các cơ chế chính sách phát triển sản xuất CN-TTCN đến mọi người dân và các doanh nghiệp biết để thực hiện.
Thông tin chi tiết tại Văn bản số 8287/UBND-KT1 ngày 13/12/2019 của UBND tỉnh kèm theo
Đức Hà