Tạo động lực cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 (Quy hoạch điện VIII) và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 18/7/2024.
Quy hoạch điện VIII, quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Để kịp thời triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Quyết định nêu trên, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh, UBND đã tỉnh ban Văn bản số 5951/UBND-KT2 ngày 07/10/2024 về triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh về phương án phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh; trong đó ưu tiên và tập trung cao cho việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện đảm bảo nguồn cấp ổn định, an toàn cho sản xuất, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, trọng tâm là các Khu công nghiệp (KCN) lớn (KCN Vinhomes Vũng Áng, KCN VSip Thạch Hà, KCN Gia Lách, Nhà máy sản xuất pin Lithium V-G, Nhà máy sản xuất và thương mại công nghệ pin Lithium, Nhà máy sản xuất ô tô điện tại Khu kinh tế Vũng Áng,…).
Thực hiện quy hoạch, năm 2024 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 (Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến Phố Nối, tỉnh Hưng Yên), Dự án đi qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài hơn 141km, với 285 vị trí móng cột - Đây là dự án có quy mô, khối lượng công việc lớn, yêu cầu tiến độ rất gấp đã thi công hoàn thành, đóng điện đưa vào sử dụng; dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II (1.200MW) tiến độ thi công đã hoàn thành 96% khối lượng, dự kiến phát điện thương mại tháng 6 năm 2025; dự án Trạm biến áp 220kV Vũng Áng và đấu nối (125MW) đang được Chủ đầu tư, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu hoàn thành đóng điện vào tháng 3 năm 2025, kịp thời cấp điện cho các KCN tại Khu kinh tế Vũng Áng; Nhà máy thuỷ điện Hương Sơn 2 (6,4MW) đã hoàn thành phát điện thương mại vào tháng 11/2024; Nhà máy thuỷ điện Vũ Quang (4,8MW) đang đầu tư xây dựng,…; bên cạnh đó nhiều công trình/dự án lưới điện phân phối do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư đang được ưu tiên nguồn lực triển khai xây dựng đảm bảo cho nhu cầu phát triển phụ tải trên địa bàn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh nhu cầu cấp điện cho các KCN là rất lớn, đặc biệt là các KCN trong Khu kinh tế Vũng Áng, việc đầu tư xây dựng các công trình/dự án cấp điện cho các KCN trọng điểm của tỉnh là rất cấp thiết, phải bám sát và thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực được duyệt; theo chức năng, nhiệm vụ Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đưa vào kế hoạch, bố trí vốn để kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng các KCN, Nhà máy sản xuất, đáp ứng nhu cầu phụ tải, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục về đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng; kịp thời tháo gõ các khó khăn, vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Hà Tĩnh có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo (tổng lượng mức bức xạ mặt trời tương đối cao và nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, có năng lượng gió đạt 600 - 800 W/m2/năm), đây là một lợi thế để phát triển điện gió và điện mặt trời; theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được duyệt, Hà Tĩnh đã được phân bổ 700MW điện gió trên bờ, gần bờ; hiện nay đã có 04 dự án trong danh mục được duyệt với tổng công suất 350MW, danh mục các dự án còn lại (350MW) Bộ Công Thương đang tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt bổ sung hoàn thiện; việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này vừa phát huy tiềm năng lợi thế, đảm bảo nguồn cung cấp điện, tăng trưởng xanh, thúc đẩy công nghiệp tỉnh nhà phát triển. Theo quy định của pháp luật hiện hành các dự án này thuộc trường hợp phải phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, vì vậy thời gian tới Sở Công Thương sẽ phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện việc lập hồ sơ đề xuất, giao và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng; phát triển năng lượng luôn phải đi trước một bước làm nền tảng hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Dương Thanh Hoà - Phó Giám đốc Sở Công Thương