Thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(Nguồn Baohatinh.vn) - Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự họp có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 708/QĐ-BKHĐT, ngày 11/5/2020). Về phía Hà Tĩnh có các đồng chí: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy hoạch tỉnh là vấn đề mới và khó, nếu không tính toán thận trọng sẽ có những chồng chéo với quy hoạch các ngành, quy hoạch vùng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Hà Tĩnh thời gian qua đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và giành được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đánh giá cao Hà Tĩnh thời gian qua đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và giành được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trên lĩnh vực quy hoạch, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong việc thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển KT-XH (Quy hoạch Monitơ năm 2015). Đến nay, việc phát triển ngành nghề, lĩnh vực và hạ tầng kết nối giữa các vùng miền, liên kết vùng đã và đang được tỉnh triển khai thực hiện nhằm cụ thế hóa quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các thành viên hội đồng thẩm định tập trung phản biện kỹ các nội dung quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh; tiếp thu, giải trình các ý kiến của bộ, ngành, các chuyên gia; hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các thành viên hội đồng thẩm định tập trung phản biện kỹ các nội dung quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh; tiếp thu, giải trình các ý kiến của bộ, ngành, các chuyên gia; hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng như các bộ, ngành liên quan thời gian qua đã quan tâm giúp đỡ Hà Tĩnh trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ, ban ngành đã có nhiều ý kiến quan trọng, giúp tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan quy hoạch, đơn vị tư vấn xây dựng và hoàn thiện quy hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng mong muốn, tại hội nghị này, Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện chia sẻ, ủng hộ thông qua quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi được hội đồng thông qua, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch, đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu tổng quát Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung bộ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Để đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, ưu tiên phát triển:
Bốn lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại - dịch vụ và du lịch; dịch vụ logistics
Ba trung tâm đô thị, gồm: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân; trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh; trung tâm đô thị phía Nam là thị xã Kỳ Anh.
Ba hành lang kinh tế, gồm: Đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam đang triển khai; quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; trung du và miền núi phía Tây cùng với đường Hồ Chí Minh.
Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với nòng cốt là Nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các khu công nghiệp trong khu kinh tế và thị xã Kỳ Anh. Khu kinh tế Vũng Áng sẽ tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung bộ và một cửa ngõ quan trọng ra biển của vùng Bắc Trung bộ và các nước Lào, Thái Lan.
Ba nền tảng chính, gồm: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch, thực hiện công tác lãnh đạo và điều hành.
Nguồn Báo Hà Tĩnh (st:HT)