Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
File đính kèm:
2024_06_18_danh-sach-cac-doanh-nghiep-ban-hang-da-cap-tren-dia-ban-ha-tinh-exn3u.pdf
Đến tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có 12 doanh nghiệp[1] hoạt động bán hàng đa cấp đã được Sở Công Thương xác nhận có hoạt động trên địa bàn, có trụ sở chính tại một số tỉnh, thành phố như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương... đã được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (trước đây là Cục Quản lý Cạnh tranh/Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó: có 11/12 doanh nghiệp có văn phòng đại diện tại Hà Tĩnh; 01/12 doanh nghiệp có cử 01 cá nhân làm đầu mối của doanh nghiệp tại địa phương, các cá nhân có hộ khẩu ở Hà Tĩnh tham gia mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp nhưng hoạt động tại nhiều địa phương khác nhau[2]; kinh doanh các mặt hàng chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng...
[1] Năm 2023 có 13 doanh nghiệp hoạt động, đến ngày 29/12/2023 Công ty TNHH Kyowon The ORM Việt Nam thông báo chấm dứt hoạt động tại Hà Tĩnh.
[2] Các doanh nghiệp thường căn cứ thông tin trên giấy CMND hoặc CCCD để báo cáo với cơ quan nhà nước nhưng thực tế có thể doanh thu không hoàn toàn phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 27/7/2018 về quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; hoạt động quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn đi vào nề nếp, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và trật tự xã hội được đảm bảo. Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, vướng mắc sau:
1. Một số doanh nghiệp chưa được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn lén lút tổ chức các cơ sở kinh doanh bán hàng đa cấp để hoạt động, tham gia giới thiệu, bán sản phẩm cho người tiêu dùng chủ yếu đến nhà của những người thân, quen thăm hỏi, giao hữu kết hợp với giới thiệu, bán sản phẩm và lôi kéo tham gia vào mạng lưới chứ không có điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cố định; mặc dù được các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện để kiểm tra, kiểm soát.
2. Mặc dù pháp luật quy định hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm[1] nhưng một số tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ hoặc kinh doanh tiền ảo vẫn lợi dụng mô hình trả thưởng tương tự như bán hàng đa cấp gây nhầm lẫn, khó khăn cho công tác quản lý.
3. Nhận thức của người tiêu dùng chưa cao, còn hám lợi, việc đọc và hiểu các hợp đồng dân sự còn hạn chế; các tổ chức, cá nhân này có thể là nạn nhân của các vụ lừa đảo nếu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp này không thực hiện đúng các quy định pháp luật; khi thấy quảng cáo hoạt động bán hàng hoặc trả thưởng, trích hoa hồng rất cao, không có cơ sở nhưng vẫn giao dịch. Có một số người tiêu dùng khi thấy mình đã bị dụ dỗ mua bán không hợp lý, nhưng vẫn lôi kéo người khác tiếp tục tham gia.
4. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép có phương thức hoạt động phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người dân tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số… Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này rất khó khăn.
5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp trái phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp bằng hình thức trực tuyến (qua các phần mềm như: Zoom cloud meetings, Microsoft teams...) nhằm né tránh việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý, dễ xảy ra hình thức biến tướng, khó kiểm soát.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, ngày 14/6/2024 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 3387/UBND-KT2 về việc chủ trương xây dựng Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về kinh doanh đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, theo đó giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, thực hiện quy trình xây dựng, tham mưu ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tăng cường một số giải pháp:
1. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp; tuyên truyền cho cán bộ, Nhân dân hiểu về các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp; mọi trường hợp vi phạm hoặc hoạt động biến tướng bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp phải được xử lý theo quy định của pháp luật; khuyến khích, vận động Nhân dân phản ánh với cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, xử lý theo đúng quy định. Tăng cường kiểm soát, giám sát các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, tổng hợp báo cáo tình hình bán hàng đa cấp trên địa bàn kịp thời.
2. Công khai, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động bán hàng đa cấp. Công bố tổ chức, cá nhân làm đầu mối và số điện thoại tiếp nhận thông tin tại địa phương. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông công bố đường dây nóng, quy định pháp luật liên quan và các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính để người dân biết.
3. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thay thế Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 27/7/2018 của UBND tỉnh.
4. Tổ chức phổ biến các quy định pháp luật về bán hàng đa cấp cho đối tượng doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp và cán bộ cấp huyện phụ trách quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp.
5. Tổ chức làm việc đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 12 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh.
[1] Điều 4, Nghị định 40/2018: (1) Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (2) Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: a) Hàng hóa là thuốc; thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; b) Sản phẩm nội dung thông tin số.
Võ Hữu Nam, Sở Công Thương Hà Tĩnh