Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày quyền người tiêu dùng
Trên thế giới:
Vào ngày 15/3/1962, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã tuyên bố trong một bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ: “Người tiêu dùng bao gồm tất cả chúng ta. Đây là nhóm đối tượng lớn nhất trong nền kinh tế, tương tác với hầu hết các quyết định kinh tế. Tuy nhiên, dù quan trọng như thế, nhưng ý kiến và quan điểm của người tiêu dùng lại không được lắng nghe”. Tổng thống John J. Kennedy đã chỉ ra 04 quyền cơ bản của người tiêu dùng, cụ thể như sau: (1) Quyền được an toàn: hàng hóa không được gây hại cho người tiêu dùng; (2) Quyền được cung cấp thông tin: doanh nghiệp nên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn..., người tiêu dùng được bảo vệ khỏi những thông tin gây nhầm lẫn trong lĩnh vực quảng cáo, tài chính, gắn nhãn,…;(3) Quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ: người tiêu dùng được tự do lựa chọn hàng hóa và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa; (4) Quyền được lắng nghe, góp ý: người tiêu dùng có quyền phản ánh, khiếu nại về hàng hóa và quyền nhận được sự xem xét, giải quyết triệt để và hiệu quả các phản ánh, khiếu nại đó.
Năm 1985, Liên hợp quốc (United Nations – UN) công nhận và mở rộng ra thành 08 quyền cơ bản của người tiêu dùng. Từ đó, Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế bắt đầu công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới, hàng năm tổ chức sự kiện này với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quốc gia.
Tại Việt Nam:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X ban hành Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27/4/1999 về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Quốc hội Khóa XII ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số: 59/2010/QH12), ban hành vào ngày 17/11/2010.
- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, từ đó lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
- Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng.
- Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền của người tiêu.
Và nhiều văn bản quản lý nhà nước khác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điều này tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước; góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời phát huy sức mạnh, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng,.. qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Quyền của người tiêu dùng được thể hiện rõ tại Điều 8 của Luât Bảo vệ Quyền của người tiêu dùng: (1) Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; (2) Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng (3) Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (4) Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. (5) Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (6) Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết (7) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. (8) Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Chủ đề của Ngày quyền người tiêu dùng được lựa chọn theo từng năm (năm 2017: “Xây dựng một thế giới kỹ thuật số an toàn cho người tiêu dùng” Năm 2018: “Xây dựng thị trường kỹ thuật số công bằng hơn” Năm 2019: “Sản phẩm thông minh đáng tin cậy” Năm 2020: “Tiêu dùng bền vững” năm 2021 “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”; năm 2022 “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”.
Hưởng ứng ngày Ngày quyền người tiêu dùng hàng năm Bộ Công Thương ban hành các Văn bản chỉ đạo tổ chức hưởng ứng Ngày quyền người tiêu dùng trên cả nước, với quy mô ngày càng đa dạng, phù hợp từng điều kiện từng năm.
Tại Hà Tĩnh:
Hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng hàng năm UBND tỉnh ban hành Kế hoạch để triển khai các hoạt động hưởng ứng với nhiều hình thức thiết thực. Để chuẩn bị cho triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh, ngày 20/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 304/KH-UBND. Tuy nhiên, 02 năm gần đây, do tình hình diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hình thức miting, diễu hành không được thực hiện do tập trung đông người, thay vào đó các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động phù hợp như xây dựng phóng sự, chuyên mục, chuyên đề trên Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh; Treo băng rôn, biểu ngữ, cờ phướn; chạy chữ điện tử tại trụ sở làm việc; thiết kế banner hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, đăng tải trên các trang thông tin điện tử của các đơn vị, viết bài trên các bản tin của các đơn vị...
“Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" mang ý nghĩa quan trọng, được tổ chức năm nay với chủ đề: “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã được tổ chức nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, sự kiện này giúp định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cung ứng của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Năm nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng như: hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại; phối hợp với một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nên tảng số triển khai chương trình khuyến mại, tri ân người tiêu dùng. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và thúc đẩy sản xuất kinh doanh; vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Tổ chức các chương trình ký kết, cam kết sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng. Kích cầu thị trường tiêu dùng gắn với đẩy mạnh tiêu thụ sản xuất trong nước trong tỉnh, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cẩm Thạch