Để chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân sửu 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 478/KH-UBND ngày 10/12/2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 04/02/2021 về việc hỗ trợ 04 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với 6 nhóm mặt hàng (Gạo: 62 tấn, Thịt lợn: 7 tấn, Thịt gà: 19 tấn, trứng: 27.000 quả, rau củ quả: 47 tấn, dầu ăn: 65.000 lít), với tổng giá trị hàng hóa dự trữ, bán hàng tại các điểm bình ổn giá là 8.260,20 triệu đồng.
Năm nay, do dịch Covid-19, ảnh hưởng của lũ lụt tháng 10/2020, nên các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dự trữ không tăng nhiều như các năm trước đây, tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên Đán đạt hơn 1.200 tỷ đồng (với 6.500 tấn gạo các loại, 2.650 tấn thực phẩm tươi sống, 720 lít dầu ăn, 480 tấn đường, 750 tấn rau củ quả, 4.500 tấn thực phẩm công nghiệp và nhiều mặt hàng khác). Với 151 chợ trên địa bàn tỉnh, trên 100 điểm bán hàng có quy mô và số lượng hàng hóa lớn, 3 siêu thị (Co.op mart ,Vinmart tại TP Hà Tĩnh, Vin mart tại thị xã Kỳ Anh), 16 cửa hàng Vinmart+ đủ để đáp ứng các nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán. Công ty TNHH TM DV Sài Gòn - Hà Tĩnh tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các loại hình hoạt động kinh doanh đều phục vụ người dân đến chiều ngày 30 Tết, hệ thống các cửa hàng xăng dầu, gas đã cắt cử cán bộ và nhân viên thay nhau trực để đảm bảo nhu cầu phục vụ người dân đi lại và chất đốt. Ngày mồng một Tết nhiều cửa hàng đã phục vụ người dân nhất là nhu cầu tâm linh, quà tặng chúc thọ, chức mừng năm mới. Nhìn chung, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm phân phối và bán lẻ trên địa bàn đã tập trung và chuẩn bị nguồn hàng hóa khá đa dạng, phong phú chủng loại, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa và sốt giá, phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân. Hàng hóa phục vụ Tết hầu hết được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Để giúp người dân nắm bắt các điểm mua bán hàng bình ổn giá, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai cung ứng hàng hóa ra thị trường với nhiều hình thức phong phú như: mở 05 điểm bán hàng bình ổn, chỉ đạo bán hàng lưu động, tổ chức đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa... giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận hàng hóa Việt Nam giá phù hợp, chất lượng cao. Cùng với đó nhiều siêu thị, hệ thống cửa hàng chạy các chương trình khuyến mại, đẩy mạnh bán ra. Cũng do dịch Covid nên nhiều đơn vị triển khai bán hàng online để phục vụ người dân. Các điểm bán cơ bản tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch, người dân đi mua sắm hầu hết đeo khẩu trang theo khuyến cáo của cơ quan Y tế.
Về giá cả thị trường: cơ bản ổn định, tăng, giảm không đáng kể, không có hiện tượng sốt giá, tăng giá đột biến, đầu cơ, tích trữ như một số năm trước đây.
Đến nay (ngày 17/02/2021 nhằm ngày 6 âm lịch) hệ thống siêu thị (Vinmart, Vinmart+, Co.opmart), hệ thống chợ trên địa bàn, các cửa hàng đã trở lại hoạt động bình thường. Giá cả thị trường trở lại bình thường, hàng hóa đa dạng, phong phú, sức mua giảm nhiều do người tiêu dùng đã mua sắm nhiều trước Tết.
Thời gian sắp tới để bình ổn thị trường hàng hóa, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc phòng chống dịch ở gia súc, gia cầm, thực hiện tái đàn theo quy định, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp/công nghiệp tăng cường sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm hàng hóa thiết yếu đủ cho tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát về giá cả hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, chống đầu cơ, tung tin thất thiệt, lũng đoạn thị trường để tăng giá đột biến.
Nguyễn Thị Cẩm Thạch
© 2018 congthuonghatinh.gov.vn
Địa chỉ: Số 02, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh