Nhằm đánh giá kết quả 05 thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP,Ngày 07 tháng 11 năm 2022, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp khu vực phía Bắc. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, lãnh đạo và đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, lãnh đạo UBND tỉnh Hoà Bình và đại biểu của 24 tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc.
Sau 05 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và 02 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 16/6/2020 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp thống nhất, tương đối rõ ràng từ công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong cụm công nghiệp và đơn vị liên quan chấp hành chủ trương, quy định của Nhà nước về phát triển cụm công nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới bổ sung, thay thế như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật bảo vệ môi trường… dẫn tới việc áp dụng pháp luật về phát triển cụm công nghiệp còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, chồng chéo nên cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như việc triển khai hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương hướng dẫn Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp chưa kịp thời; việc chấp hành một số nội dung, quy định ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm; nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp…; đối với dự thảo Nghị định mới, các đại biểu đề nghị xem xét, cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp với các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh việc triển khai Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như phát triển thương mại, dịch vụ tại các khu vực thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; hiện nay, hành lang pháp ý liên quan đến phát triển cụm công nghiệp đã có nhưng đang rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác; do đó việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 66/2020/NĐ-CP và Nghị định 68/2017/NĐ-CP sẽ cố gắng tích hợp toàn bộ nội dung phát triển cụm công nghiệp vào một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quản lý cụm công nghiệp của chính quyền địa phương và tăng cường khả năng thu hút các dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp.
Đức Hà
© 2018 congthuonghatinh.gov.vn
Địa chỉ: Số 02, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh