Cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Triển khai nhiệm vụ quý II/2022, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH, trong đó cần bám sát các chương trình của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Sáng 13/4, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp nghe báo cáo tình hình phát triển KT-XH, QP-AN quý I năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 1 (Văn phòng Trung ương Đảng) Lê Văn Diến; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và một số sở, ngành cùng dự.
Hà Tĩnh thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH quý I/2022 trong bối cảnh nhiều khó khăn, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh sau tết Nguyên đán; kinh doanh dịch vụ, du lịch, vận tải tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá nhiều mặt hàng hàng tăng…
Theo báo cáo của UBND tỉnh, quý I/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh giảm 8,74% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 329 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu đạt 729 triệu USD, tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động dịch vụ, du lịch đang từng bước phục hồi nhưng nhìn chung vẫn còn chậm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 2,7%, dịch vụ vận tải giảm 30,32%, dịch vụ ăn uống giảm 47%, dịch vụ lưu trú giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng 1,17%.
Sản xuất nông nghiệp tập trung vào thu hoạch vụ đông và chỉ đạo gieo trồng, chăm sóc cây vụ xuân. Theo đó, kết quả vụ đông đạt và vượt kế hoạch đề ra; sản xuất vụ xuân 2022 cơ bản đảm bảo về cơ cấu giống, thời vụ và diện tích, tổng diện tích lúa gieo cấy đạt trên 59.872 ha; diện tích cây trồng cạn đạt trên 21.313 ha.
Sản xuất thủy sản đạt khá, tổng sản lượng đạt 12.688 tấn, tăng 2,3% so với quý I năm trước. Dịch bệnh trong chăn nuôi cơ bản được kiểm soát.
Trưởng ban Tuyên giáo Hà Văn Hùng: Báo cáo đã nêu những kết quả đạt được trên các lĩnh vực. Cần làm rõ hơn những thách thức trong phục hồi và phát triển KT-XH thời gian tới.
Thu ngân sách trên địa bàn quý I/2022 đạt 5.769 tỷ đồng, bằng 35% dự toán tỉnh giao, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa 2.813 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 2.956 tỷ đồng.
Chi ngân sách địa phương đạt 3.388 tỷ đồng, đạt 17% dự toán tỉnh giao. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 267 tỷ đồng, bằng 4,96% kế hoạch.
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng: Thời gian tới, cần tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư để triển khai các dự án kịp tiến độ, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Trong quý, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án, trong đó 5 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 1.160 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD. Toàn tỉnh có 337 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2.275 tỷ đồng.
Các hoạt động xây dựng nông thôn mới tiếp tục được duy trì, phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đảm bảo; giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững thành tích. Các chính sách hỗ trợ người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiệm vụ chăm lo tết cho Nhân dân được triển khai kịp thời, thiết thực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền: Các nhiệm vụ đề ra trong báo cáo cơ bản đầy đủ các lĩnh vực.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ những nguyên nhân, kết quả, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra định hướng, giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN thời gian tới.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Cần đánh giá sâu hơn về hiện tượng “sốt đất” thời gian qua.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân: Báo cáo cần làm rõ hơn những kết quả về lĩnh vực văn hóa.
Theo phân tích của các đại biểu, trong quý I, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như: thép, điện sản xuất giảm mạnh; dịch COVID-19 tiếp tục tác động nặng nề lên ngành dịch vụ, giá cả tiêu dùng tăng cao... đã ảnh hưởng đến các chỉ số phát triển KT-XH của tỉnh.
Những tháng tiếp theo, cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; nỗ lực kết nối, kêu gọi các tập đoàn lớn vào đầu tư trên địa bàn; tăng cường quản lý đất đai; tổ chức công tác tuyên truyền xúc tiến hoạt động du lịch và các sự kiện văn hóa; tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất hè thu...
Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần dự báo tình hình, làm rõ những thách thức, cơ hội trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH; tiếp tục đồng hành hỗ trợ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn; tiếp tục công tác phòng chống dịch COVID-19; hỗ trợ an sinh xã hội, việc làm; kiểm soát hiện tượng “sốt” đất, tín dụng bất động sản…
Báo cáo cần bổ sung, phân tích số liệu về các kết quả đạt được; làm rõ những nguyên nhân và tồn tại, hạn chế để làm tiền đề triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo. Quý II là thời điểm thuận lợi nhất để thực hiện phát triển KT-XH, vì vậy, cần tập trung cao các nhiệm vụ. Cùng đó, cần quan tâm đánh giá, thẩm định năng lực các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn một cách đầy đủ; rà soát nguồn thu ngân sách; tập trung cải cách hành chính; xử lý tồn đọng sau sáp nhập xã; tăng cường chỉ đạo cơ sở; tập trung cao công tác quản lý Nhà nước; tăng cường quản lý an ninh vùng giáo...
Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế như: các động lực tăng trưởng mới chưa thật sự rõ rệt; nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có nhiều thời điểm còn chững lại; áp dụng khoa học công nghiệp vào sản xuất còn hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH và phải bám sát chương trình của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai các nội dung.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải tranh thủ tối đa nguồn lực, sự hỗ trợ của Trung ương, tạo điều kiện phát triển KT-XH tỉnh; phát huy vai trò và soát xét trách nhiệm của các đoàn công tác của tỉnh, của địa phương; quan tâm công tác đối nội, đối ngoại; đề cao trách nhiệm cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ theo Kết luận 29 của BTV Tỉnh ủy.
Đồng thời, tập trung cao công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam; thu hồi những dự án chậm tiến độ; tăng cường công tác quản lý đất đai; đề ra các giải pháp đưa các huyện còn lại về đích nông thôn mới; tiếp tục kêu gọi các tập toàn lớn đầu tư sản xuất hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, phấn đấu có nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Quan tâm lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là khôi phục du lịch biển và khai thác tiềm năng, lợi thế về con người, văn hóa Hà Tĩnh; triển khai hiệu quả chương trình năm học mới 2022 - 2023; tập trung cao cho kỳ thi công chức; chỉ đạo TP Hà Tĩnh và một số sở, ngành triển khai tốt sự kiện 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh...
Theo Báo Hà Tĩnh