Chính sách tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Kết quả và định hướng thời gian tới
Trong những gần đây, Hà Tĩnh là một trong những địa phương quan tâm đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn.HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và xây dựng chính sách giai đoạn 2019-2021; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh. Chính sách đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm được quy định ở Điều 17 của Nghị quyết. Thời gian qua, Ngành Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ và kết quả thực hiện cụ thể như sau:
Tình hình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về chính sách cho các huyện, thành phố, thị xã; phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuẩn bị hồ sơ để xét hỗ trợ; liên Sở Công Thương - Tài chính tiến hành kiểm tra hồ sơ, làm việc với các đơn vị, thống nhất tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí theo chính sách.
Kết quả đạt được: Chính sách đã góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; gia tăng chuỗi giá trị, hiệu quả và cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm tại địa phương nhằm không ngừng nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới; nguồn kinh phí được hỗ trợ các đơn vị sử dụng đúng mục đích, góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh tạo điều kiện tổ chức, kết nối để các doanh nghiệp, cơ sở tham gia nhiều triển lãm có quy mô trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên còn một số hạn chế như: Do nguồn thu từ ngân sách tỉnh thấp nên nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh bố trí thấp hơn 05 lần so với các năm trước đây, do đó tính thúc đẩy của chính sách chưa có hiệu quả thực sự; Một số chính sách khống chế thời gian hỗ trợ làm cho việc duy trì và phát triển thị trường của sản phẩm chưa được như mong muốn; phạm vi điều chỉnh chỉ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là chưa hợp lý, trong khi các lĩnh vực khác cũng cần khuyến khích phát triển như công nghiệp, TTCN, xuất khẩu...
Trước những kết quả đã đạt được và hạn chế tồn tại nêu trên, quan điểm, định hướng chính sách thời gian tới của tỉnh là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính sách hỗ trợ không dàn trải, chọn tập trung một số lĩnh vực, một số khâu ưu tiên hướng tới hỗ trợ đầu ra, tạo động lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ; đồng thời gắn thực hiện Chương trình OCOP.Các nội dung mà các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không cần sự hỗ trợ của nhà nước cần lược bỏ bao gồm: Quảng cáo, giới thiệu trên các ấn phẩm, các phương tiện thông tin đại chúng hoặc website thương mại điện tử, cổng thông tin thương mại điện tử; tổ chức điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu và cơ hội hợp tác kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm hàng hóa chủ yếu của tỉnh; xuất bản các ấn phẩm để phổ biến kết quả điều tra, khảo sát, phổ biến pháp luật, tập quán, thói quen mua sắm, mức hỗ trợ theo từng cuộc điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường; thực hiện thiết kế, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa.
Do vậy, trong thời gian tới chính sách được xây dựng với một số nội dung chính, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động thương mại điện tử như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ chi phí tổ chức các phiên chợ, hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình đưa sản phẩm của tỉnh kết hợp đưa hàng Việt về bán ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa thực tế đã tiêu thụ trong siêu thị hoặc hệ thống phân phối lớn, có uy tín.
Thứ ba, hỗ trợ chi phí bao bì, đóng gói sản phẩm hàng hóa (thiết kế, in ấn, sản xuất bao bì, nhãn mác, giấy hộp đóng gói)
Thứ tư, hỗ trợ tổ chức lễ hội, hội chợ, triển lãm: Hỗ trợ xã hội hóa tổ chức hội chợ, lễ hội: hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lễ hội, hội chợ nông đặc sản và sản phẩm TTCN làng nghề hàng năm quy mô cấp tỉnh; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng, thuê phòng nghỉ, phương tiện vận chuyển người và hàng hóa, lệ phí cửa khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm được tổ chức trong nước, nước ngoài.
Thứ năm, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, duy trì website thương mại điện tử: Xây dựng mới hoặc nâng cấp website thông tin, website thương mại điện tử: được hỗ trợ chi phí xây dựng, chuyển giao, chi phí duy trì tên miền, thuê không gian lưu trữ website; hỗ trợ chi phí thuê gian hàng tại các sàn thương mại điện tử có uy tín trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá, giao dịch
Thứ sáu, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, thực hiện mở các gian hàng và giao dịch thương mại điện tử trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.
Thứ bảy, hỗ trợ xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Hy vọng trong thời gian tới, các chính sách này được hấp thu có hiệu quả, giảm bớt phần nào về nỗi lo được mùa mất giá của bà con nông dân.
Nguyễn Thị Cẩm Thạch - TP Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp