Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại
File đính kèm:
2023_08_15_qd-quy-dinh-chuc-nang-nhiem-vu-trung-tam-kc-va-xttm-bh12-g74rc.pdf
Ngày 12/7/2023, Sở Công Thương ban hành Quyết định số 65/QĐ-SCT trong đó quy định Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh như sau:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh (sau đây gọi tắt là Trung tâm) thực hiện chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Công Thương xây dựng chương trình, kế hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động trên lĩnh vực khuyến công và xúc tiến thương mại; cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp và thương mại theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Công Thương đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến Thương mại và các cơ quan có liên quan; chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Về khuyến công:
a) Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về hoạt động khuyến công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công đã được phê duyệt.
c) Tổ chức đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
d) Xây dựng, lưu giữ và khai thác dữ liệu điện tử về công nghiệp nông thôn tại địa phương. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp, hoạt động khuyến công tại địa phương.
đ) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, các hội thi, hội thảo, hội chợ, diễn đàn về khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương.
e) Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến công cho các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động khuyến công. Tổ chức tập huấn, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên ngành công thương cho các cá nhân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
g) Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, trang thiết bị, khoa học công nghệ để thực hiện chương trình, đề án khuyến công và tham gia hoạt động khuyến công tự nguyện tại địa phương.
h) Thực hiện hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trong các lĩnh vực: khoa học-công nghệ; thông tin thị trường; tài chính, tín dụng; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và các lĩnh vực có liên quan khác.
i) Thực hiện các hoạt động khuyến công và các chính sách khuyến công khác theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp và thương mại ở địa phương:
a) Tư vấn lập dự án: quy hoạch lĩnh vực công thương được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
b) Tư vấn đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp, thương mại và công trình dân dụng.
c) Tư vấn về khai thác, chế biến khoáng sản; tư vấn về kiểm tra an toàn, hiệu chỉnh các thiết bị khoan, máy nổ mìn trong hoạt động khoáng sản và thi công có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
d) Tư vấn các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; sản xuất sạch, vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm; thực hiện các hoạt động tư vấn, giám sát; thẩm tra, thẩm định kỹ thuật dự án, các công trình kỹ thuật công nghiệp và thương mại khác theo quy định của pháp luật.
e) Tư vấn chuyển đổi số, thương hiệu nhãn hiệu.
g) Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khuyến công; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm theo các đề án, chương trình khuyến công.
3. Về xúc tiến thương mại:
a) Tham mưu Giám đốc Sở Công Thương về chính sách, biện pháp phát triển các hoạt động hỗ trợ doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
b) Quản lý giám sát các hoạt động xúc tiến thương mại; hướng dẫn kiểm tra nội dung, điều kiện hoạt động về hội chợ, triển lãm, khuyến khích trưng bày, dịch vụ giới thiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
c) Tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, công nghiệp; hội nghị, chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch được phê duyệt.
d) Tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp thuộc chương trình xúc tiến thương mại địa phương, Quốc gia.
đ) Tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị có chức năng để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ xúc tiến thương mại, kỹ năng phát triển thị trường.
e) Tổ chức triển khai các nội dung liên quan về phát triển thương mại điện tử ở địa phương phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
g) Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về hàng hóa, thị trường; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hàng hóa và dịch vụ của tỉnh, các hoạt động xúc tiến thương mại; cung cấp hoặc phối hợp cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
h) Tư vấn kinh doanh, tư vấn thành lập các hiệp hội và thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật doanh nhân.
i) Xây dựng các ấn phẩm về tiếp thị, quảng cáo, hội chợ triển lãm, thương hiệu sản phẩm hàng hóa, ổn định và phát triển thị trường... nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nhân trong tỉnh.
k) Hỗ trợ doanh nhân trong tỉnh tìm kiếm bạn hàng, đối tác và cơ hội kinh doanh bằng các hình thức tổ chức các phái đoàn doanh nhân đi các tỉnh, thành trong cả nước và ra nước ngoài để tổ chức gặp gỡ bạn hàng và giao dịch thương mại. Hỗ trợ các doanh nhân trong nước và nước ngoài phát triển kinh doanh tại Hà Tĩnh.
l) Tư vấn cho các tổ chức, tham gia tổ chức hội chợ, triển lãm nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, dịch vụ thương mại cho bạn hàng trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.
m) Hợp tác song phương và đa phương với tổ chức xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài và tổ chức quốc tế.
4. Quản lý nhân sự, tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh; thực hiện chế độ tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và chế độ, chính sách khác đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý Trung tâm theo quy định.
5. Báo cáo kết quả hoạt động của Trung tâm cho các cơ quan có thẩm quyền theo chế độ báo cáo, thống kê. Xây dựng kế hoạch, biện pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc lĩnh vực được giao.
6. Nhận quản lý và sử dụng các nguồn lực khác theo quy định từ Bộ Công Thương và cơ quan, doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
7. Quản lý, liên danh, liên kết và tổ chức thực hiện trong các hoạt động tư vấn, dịch vụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
8. Thực hiện nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Công Thương giao.