CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TẠO ĐỘNG LỰC MỚI
File đính kèm:
2024_07_01_bantinccchcso24-2024_ph-da-nen-so0zg.pdf
Chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là bước đi tất yếu, tạo nền tảng hình thành môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 đã xác định “chuyển đổi số” là một trong bốn nền tảng chính tạo bước phát triển đột phá cho Hà Tĩnh trong thời gian tới. Việc chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp sẽ làm thay đổi phương thức làm việc thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành và mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí.
Trong thời gian qua, gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện chuyển đổi số, công nghệ số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghiệp, đặc biệt là công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, sớm đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, việc ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đã được doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ, trở thành giải pháp cấp bách, có tính "sống còn" để giúp mỗi đơn vị vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực nội tại của mình; từ đó, tiếp nhận những cơ hội đầu tư, phát triển mới khi thị trường ngày càng được mở rộng. Các doanh nghiệp đang tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh, thể hiện trên một số lĩnh vực sau:
Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo: Vớigần 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến - chế tạo, đóng vai trò là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, giá trị sản xuất công nghiệp cao như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, Công ty CP Dược Hà Tĩnh, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh… đã nắm bắt cơ hội triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, áp dụng mô hình nhà máy thông minh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và nâng cao uy tín sản phẩm hàng hóa. Điển hình như tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, sau sự cố môi trường biển năm 2016, Công ty đã chuyển đổi công nghệ dập cốc từ ướt sang khô như chọn đối tác cung cấp, lắp đặt thiết bị là Công ty thép Nippon (Nhật Bản) - đơn vị có công nghệ luyện cán thép tiên tiến trên thế giới hiện nay, đây là công nghệ sản xuất than coke sạch và thu hồi nhiệt đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto; đồng thời để người dân được cùng tham gia giám sát, Công ty đã lắp đặt màn hình ngoài cổng để công khai hình ảnh nuôi cá, số liệu quan trắc nước thải, khí thải.... hay tại các doanh nghiệp sản xuất, gia công cơ khí đã áp dụng công nghệ như chế tạo khuôn mẫu, phụ tùng máy, máy chuyên dùng; đầu tư dây chuyền, thiết bị, máy móc hiện đại, điều khiển bằng chương trình số; các doanh nghiệp thực phẩm, Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh đã sử dụng công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa cao và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001; mới đây, tại Cộng hòa Liên bang Đức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã ký kết với Công ty Steinecker – Cung cấp toàn bộ công nghệ, thiết bị hệ thống nhà nấu, hệ thống bồn lên men, bồn chức bia tươi và các chuổi thiết bị khác cho Nhà máy bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh đảm bảo công suất đạt khoảng 500 triệu lít/năm.
Đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản: Các doanh nghiệp đang tập trung phát tầng công nghệ thông tin hiện đại, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa, đầu tư các dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại và tích hợp kết nối hệ thống phần mềm với các thiết bị máy móc nhằm có số liệu thống kê về sản xuất nhanh nhất, giảm tối đa sự sai sót do con người, giúp doanh nghiệp đánh giá kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh và hỗ trợ ra quyết định nhanh đối với người quản lý. Nhờ đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đã loại bỏ dần các công nghệ, thiết bị lạc hậu trong khoan, nổ mìn, làm tơi, phá vỡ đất đá; đổi mới công nghệ và thiết bị theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị công suất lớn, hiệu suất cao, có cơ cấu vận hành liên tục, vận hành linh hoạt, loại bỏ thiết bị cũ, lạc hậu trong công tác bốc xúc, vận tải; áp dụng hệ thống vận tải liên tục bằng băng tải, đường ống, hệ thống vận tải liên hợp ô tô - băng tải và ô tô - trục tải ở những mỏ có điều kiện phù hợp; áp dụng công nghệ khai thác hợp lý với chiều cao tầng khai thác lớn, sử dụng thiết bị hiện đại, công suất lớn; các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao độ ổn định bờ mỏ nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao mức độ an toàn...
Đối với lĩnh vực điện lực: Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2022 với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên. Điển hình như tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã tích cực triển khai số hóa dữ liệu, số hóa quy trình nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hiện trường nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại đơn vị, hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn như triển khai sâu rộng đến các đơn vị trực thuộc ứng dụng phần mềm CmisMobile, áp dụng đối với công tác kiểm tra giám sát mua bán điện, thay công tơ định kỳ và phát triển khách hàng mới - đây là bộ giải pháp cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android có kết nối với máy in bluetooth nhằm hỗ trợ cho nhân viên tác nghiệp ngay tại hiện trường; đồng thời còn chủ động nắm bắt và tạo ra các cơ hội tiếp xúc, gần gũi với khách hàng nhằm giới thiệu, hướng dẫn người dân sử dụng và trải nghiệm các dịch vụ tiện ích của ngành điện; điều này không chỉ giúp ngành điện đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến gần hơn với người dân, mà còn giúp người dân tiếp cận các dịch vụ điện một nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. Tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II đã thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp, từng bước số hóa các quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, quy trình quản trị,… để tiết giảm thời gian, chi phí, gia tăng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng, đối tác, đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như quá trình hội nhập quốc tế.
Có thể nói, thời điểm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 được áp dụng nghiêm ngặt, với việc hạn chế đi lại, tiếp xúc, giãn cách xã hội… cũng là động lực để các doanh nghiệp công nghiệp thúc đẩy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như làm việc từ xa (work from home); tăng cường sử dụng các công cụ trực tuyến để họp và làm việc; ứng dụng mạnh việc xử lý, ký văn bản điện tử... Đến nay, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số đã, đang được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả, phần nào thay đổi các cách thức vận hành truyền thống, nhờ vậy, đến nay công nghiệp Hà Tĩnh đã phục hội và tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ; năm 2023 chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,41% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đạt 2,4 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp trong GRDP tăng 10% so với cùng kỳ, góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 8,05% so với cùng kỳ, đứng thứ 13 cả nước và thứ 2 trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuy vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp còn một số tồn tại, hạn chế, như khả năng số hóa dữ liệu trong doanh nghiệp chưa cao; mức độ hấp thụ công nghệ còn hạn chế, chủ yếu gia công, lắp ráp, chưa tập trung vào các ngành công nghiệp mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao; nội lực của doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu cả về năng lực tài chính, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa trang bị những kỹ năng đầy đủ cho người lao động để đáp ứng yêu cầu công nghệ số, chuyển đổi số; liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong tỉnh còn lỏng lẻo, chưa tạo ra sự lan toả, tận dụng tối đa nguồn vốn hiệu quả; trong khi đó các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đủ mạnh để thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp.
Một trong những vấn đề trọng tâm của ngành Công Thương là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ số trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất,đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của chuyển đổi số, công nghệ số; tiếp cận, nắm bắt các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số của Trung ương và tỉnh tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025… từ cấp lãnh đạo tới người lao động, từ đó tạo ra những chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động; trên cơ sở đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị nhằm tiếp cận công nghệ số, chuyển đổi số.
Thứ hai, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại; muốn vậy, các doanh nghiệp công nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nâng cấp công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại; tạo nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, ngành Công Thương sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của Tỉnh nhằm giúp, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu các cơ chế chính sách và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ gắn với sự phát triển của ngành công nghiệp trọng điểm trong Quy hoạch tỉnh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực. Để nâng cao năng lực quản trị, thiết nghĩ mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể dựa trên các yếu tố: Năng lực hiện tại của doanh nghiệp so với yêu cầu của phát triển công nghiệp; ưu tiên hay những thách thức hiện tại đối với vấn đề phát triển của doanh nghiệp và cuối cùng là hiệu quả mang lại là gì. Đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của doanh nghiệp. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số tại doanh nghiệp; do đó, bên cạnh việc tuyển dụng, có chiến lược để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết; thành thạo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thành thạo công nghệ thông tin, máy tính... để nâng cao năng suất lao động.
Thứ năm, các doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm giúp nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới và tiếp cận tri thức, công nghệ mới; muốn vậy cần chuẩn bị tốt về yếu tố nhân lực để có thể hấp thụ tốt nhất thành quả của tiến bộ công nghệ toàn cầu./.
Nguyễn Đức Hà - Phó Chánh Văn phòng Sở







