Công thương Hà Tĩnh - kết quả nổi bật năm 2018
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (theo giá so sánh 2010) dự kiến đạt 44.700,59 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2017. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng nhanh; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 86,67% so với năm 2017; sản lượng thép năm 2018 ước đạt 4,3 triệu tấn; tổng sản lượng điện sản xuất tiêu thụ ước đạt 6,24 tỷ kwh. Nhà máy bia phát huy tối đa công suất, sản lượng đạt 58,2 triệu lít. Thương mại - dịch vụ phục hồi sau sự cố môi trường biển, tăng trưởng khả quan, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 ước đạt 41.856 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đột phá, ước đạt 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống (chè, dăm gỗ, may mặc) duy trì ổn định, riêng thép xuất trên 600 triệu USD, chiếm tỷ trọng 77% tổng kim ngạch; nhập khẩu ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng gấp 2,26 lần so với năm 2017. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại được triển khai toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực.
Sở đã tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý quan trọng; hoàn thành đúng tiến độ theo Chương trình khung của UBND tỉnh với 5 nội dung:Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 27/7/2018 về Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 53/2018/QĐUBND ngày 19/12/2018 ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra đã tham mưu ban hành hơn 2000 văn bản quản lý nhà nước để đề xuất, chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề thuộc hoạt động của ngành.
Thực hiện tích hợp các Quy hoạch ngành vào Quy hoạch tỉnh; triển khai Luật điện lực. Chú trọng phát triển các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo và đẩy mạnh phát triển CCN, phát huy hiệu quả công tác khuyến công. Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 02 dự án nhà máy điện mặt trời, khảo sát tiềm năng triển khai dự án điện gió, điện sinh khối; xây dựng mô hình điện mặt trời tại Sở Công Thương giám sát qua internet... Thu hút 02 doanh nghiệp đầu tư cụm theo hình thức xã hội hóa, tranh thủ nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng CCN Thái Yên (03 tỷ đồng), tham mưu UBND tỉnh làm việc, tổ chức Đoàn học tập kinh nghiệm để định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với CCN Trung Lương.
Đẩy nhanh công tác chuyển đổi mô hình quản lý, xã hội hóa đầu tư chợ, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Năm 2018, hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý 08 chợ, xây dựng mới 06 chợ, nâng cấp cải tạo 12 chợ; công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng hiệu quả, rà soát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp; chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường và chấn chỉnh buôn bán hàng rong, chợ tự phát. Xây dựng 05 mô hình cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất, gắn với thực hiện Chương trình OCOP.
Tổ chức rà soát đánh giá năng lực doanh nghiệp xuất nhập khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu, báo cáo thống kê về hoạt động XNK theo đúng chế độ quy định; lập bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; nâng cấp và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương Hà Tĩnh; xây dựng website thương mại điện tử xúc tiến, bán sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh. Tổ chức thành công Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ hai, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Hà Tĩnh nhân Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Tập trung công tác cải cách hành chính, sắp xếp tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối. Trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện sáp nhập các phòng chuyên môn ngay từ đầu tháng 6/2018, giảm 02 phòng trong Văn phòng Sở so với trước đây. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực Công Thương.
Năm 2019 là năm gần cuối nhiệm kỳ, mục tiêu, các chỉ tiêu trên lĩnh vực Ngành Công Thương đặt ra ở mức tăng cao: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) dự kiến đạt 55.636,58 tỷ đồng, tăng 24,46% so với năm 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 dự kiến tăng 11,5% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 1.100 triệu USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 dự kiến đạt 2.800 triệu USD, tăng 14,14% so với cùng kỳ.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, Ngành Công Thương Hà Tĩnh đặt ra các nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Kế hoạch của UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/ TU ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh.
Thứ hai, triển khai hiệu quả công tác khuyến công, xã hội hóa đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sau thép, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, dệt may vào Khu kinh tế Vũng Áng, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai đúng tiến độ các dự án trong khu, cụm công nghiệp; phối hợp giám sát quá trình vận hành 02 lò cao và các hoạt động hóa chất tại Formosa đảm bảo sản xuất ổn định.
Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II; các dự án điện mặt trời, điện sinh khối…; tăng cường kiểm tra giá điện, chất lượng cung cấp điện, các hoạt động điện lực và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão... Chỉ đạo nâng cấp, cải tạo hệ thống điện đạt chuẩn tiêu chí điện NTM.
Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo công tác chuyển đổi chợ trên địa bàn theo phương án, lộ trình đã phê duyệt; chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng chợ tự phát, tụ điểm kinh doanh ngoài quy hoạch. Thực hiện có chiều sâu cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, tổ chức hội chợ, khuyến mại; kinh doanh xăng dầu, khí, kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương… Xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo bình ổn thị trường, giá cả; tăng cường các giải pháp thực hiện bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Rà soát đánh giá năng lực xuất khẩu; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến hội nhập kinh tế quốc tế và cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới FTA.
Thứ năm, đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổ chức các phiên chợ, tuần hàng mua sắm gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và chương trình OCOP của tỉnh.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định pháp luật; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước lĩnh vực ngành công thương.Quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, hoạt động hóa chất, đặc biệt tại các doanh nghiệp lớn như Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng 1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới của ngành. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới với sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, ngành Công Thương tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Hà Tĩnh phát triển bền vững.
Hoàng Văn Quảng - TUV - Giám đốc Sở Công Thương